Thị trường dầu mỏ quốc tế vẫn nằm trong tay Nga bất chấp nỗ lực của Mỹ

Mỹ rất nỗ lực can thiệp thị trường dầu mỏ quốc tế trong thời gian qua nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá, tuy nhiên họ vẫn chưa thành công.

Thị trường dầu mỏ quốc tế vẫn chịu sự chi phối rất lớn từ Nga , bất chấp việc Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây cực kỳ nỗ lực can thiệp nhằm thay đổi tình hình.

Giới phân tích nhận xét, giá dầu được giữ ở mức cao như hiện nay sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ cũng như mức sống người dân, từ đó tạo ra nhiều bất lợi cho Đảng Dân chủ đang nắm quyền.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, ứng viên Đảng Dân chủ có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, bên cạnh đó nước Mỹ còn đối diện nguy cơ mất đi quyền lực kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

"Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao Tổng thống Joe Biden rất nỗ lực để khắc phục tình trạng giá dầu thô tăng cao, nhưng Washington vẫn chưa thể đạt được mục tiêu", các nhà phân tích đến từ tờ báo Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia cho biết.

Giá dầu thô Brent giao tháng 12/2023 chỉ giảm 82 cent, xuống mức 90,68 USD/thùng, dầu thô West Texas Middle (WTI) giao tháng 11/2023 giảm 57 cent xuống 87,75 USD/thùng hôm 20/10, còn giá dầu thô WTI giao tháng 12/2023 giảm 51 cent xuống 86,76 USD/thùng.

Các chuyên gia đánh giá, căn cứ vào chỉ số giá như vậy, rõ ràng biện pháp dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt áp đặt lên Venezuela nhằm ngành khai thác dầu khí của quốc gia Nam Mỹ đã không mang lại hiệu quả cao như Nhà Trắng kỳ vọng.

Washington muốn dầu thô từ châu Mỹ Latinh được đưa ra thị trường với số lượng lớn trong thời gian ngắn, nhưng thời gian dài duy trì chính sách bao vây cấm vận khiến Caracas không thể khai thác khối lượng lớn dầu thô trong thời gian ngắn.

Như vậy thị trường dầu mỏ toàn cầu thực tế vẫn do Nga và đối tác trong tổ chức OPEC+ là Saudi Arabia chi phối. Những toan tính chính trị đằng sau hậu trường không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Thông tin mới nhất cho biết, việc Mỹ cấp giấy phép sản xuất và xuất khẩu dầu tạm thời cho công ty dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) chỉ khiến giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm chưa đến 1%.

Trong khi đó việc Iran kêu gọi các nước Hồi giáo thiết áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Israel ngay lập tức đã gây ra phản ứng thị trường và đẩy giá tăng thêm 2%, khiến cho bước đi của Mỹ với Venezuela hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Washington không còn có tiếng nói đủ sức tác động lên những đồng minh Trung Đông, chẳng hạn như Saudi Arabia - quốc gia thực sự có thể giúp giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên hiện nay Riyadh đang tập trung vào các mục tiêu riêng của mình, trong đó đích ngắm lớn nhất là duy trì giá dầu thô ở mức cao, vì vậy họ đã nhiều lần phớt lờ đề nghị từ phía Mỹ.

Iran cũng có thể giúp khắc phục tình hình giá dầu leo thang phi mã, nhưng hiện tại Nhà Trắng vẫn duy trì chính sách thù địch với Tehran, thậm chí đưa biên đội tàu sân bay tới gần lãnh hải của họ để răn đe.

Với thực tế trên, Mỹ rõ ràng không thể mong đợi sự hạ nhiệt trong quan hệ, từ đó khiến cho dầu thô từ Iran tiếp cận được thị trường thế giới một cách thoải mái hơn.

"Trước tình hình trên, những động thái mới nhất mà Washington đưa ra với Caracas chỉ bộc lộ một bước đi tuyệt vọng", ấn phẩm Asharq Al-Awsat kết luận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-truong-dau-mo-quoc-te-van-nam-trong-tay-nga-bat-chap-no-luc-cua-my-post555783.antd