Thị trấn ngủ quên thao thức miền nhớ
Với tôi, Đ'ran là thị trấn ngủ quên nhưng mãi thao thức trong miền nhớ. Dấu vết của lịch sử và đời sống bình lặng như mặt hồ Đa Nhim luôn là nỗi ám ảnh và đồng vọng nhiều hoài cảm, mến thương.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đ’ran cách đây gần hai thập kỷ. Cậu thanh niên từ miền Bắc một mình vào Đà Lạt lập nghiệp. Đường đi chẳng biết, người quen, họ hàng thân thuộc trong này cũng không. Trước đó, tôi chỉ biết Đà Lạt qua những bản tin dự báo thời tiết và các bản nhạc. “Thành phố buồn, lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn. Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co, quyện gốc thông già…”. Với tôi, Đà Lạt mộng mơ nhưng cũng xa vời và mông lung lắm.
Sau 2 ngày đêm rời rã trên chuyến xe khách cà tàng tuyến Bắc Nam, tài xế thông báo sắp tới đèo Ngoạn Mục. “Qua đèo là tới Lâm Đồng rồi đó con”. Bà cụ đi cùng ngồi cạnh bảo thế. Dù rất mệt nhưng tôi vẫn cố thò đầu ra ngoài cửa kính để nhìn về phía mình đang tới. Xa tít phía cuối con đường là dãy núi cao ngất, ẩn hiện giữa dải mây mù, tựa bức tường khổng lồ chắn ngang. Từ trên đỉnh núi, một vật gì đó dài và mảnh như sợi chỉ trắng lấp lánh vắt xuống tận chân núi. Càng tới gần, vật thể ấy càng lớn dần lên và cuối cùng là 2 đường ống thép khổng lồ, sáng loáng, đường kính mỗi ống khoảng 1,5 m. “Các ống thủy áp này dài hơn 2 km, dốc 45⁰, dẫn nước từ đập nằm trên độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển đổ xuống 4 tuốc-bin dưới chân đèo để phát điện. Đây là công trình do Nhật Bản xây dựng giai đoạn 1961-1964, nằm trong chương trình bồi thường chiến tranh cho Việt Nam do phát-xít Nhật gây ra” - ông khách đồng hành người Lâm Đồng tự hào dẫn giải.
Hết đèo, xe dừng nghỉ tại thị trấn Đ’ran. Trước mắt tôi là khung cảnh hoàn toàn khác biệt với những gì đã thấy trong suốt hành trình. Đ’ran hiện lên như một ngôi làng châu Âu bị hóa thạch từ khoảnh khắc mà nó được sinh ra. Hai bên đường, từng dãy nhà ngói kiểu Pháp, tường vàng, mái phủ đầy rêu và dương xỉ. Vài con phố nhỏ cũ kỹ dẫn ra những vườn cải bắp, su hào, cà rốt. Xa xa, cây cầu sắt hoen gỉ và nhà ga xe lửa hoang phế, đìu hiu. Hồ thủy điện Đa Nhim mênh mông, tĩnh lặng bao quanh bởi những rừng thông xanh ngắt. Cảnh sắc thanh bình và thấm đẫm hoài niệm đã để lại tâm hồn đa cảm của lữ khách trẻ tuổi những ấn tượng thật khó phai.
Kể từ giây phút ấy, Đ’ran trong tôi lớn dần thành tình yêu và nỗi nhớ. Trong những chuyến hành trình xuôi ngược, nếu có dịp, tôi đều cố gắng dừng lại đôi chút nơi thị trấn nhỏ bé để nhâm nhi một ly cà phê, nói chuyện với vài người bạn hoặc lang thang trong thị trấn để thả hồn mình phiêu dạt trên những tàn tích còn sót lại của một phố thị dường như đứng ngoài cuộc với những xáo động của lịch sử, bên lề dòng chảy bất tận của thời gian.
Trong quá khứ, Đ’ran xuất hiện trước cả Đà Lạt, là địa bàn trung chuyển, trạm dừng chân quan trọng của tuyến giao thông huyết mạch nối cao nguyên Langbiang với phần còn lại của đất nước. Sau khi phát hiện ra cao nguyên Langbiang năm 1983, tháng 3 năm 1899, bác sỹ Alexandre Yersin tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên Langbiang để khảo sát chuẩn bị xây dựng Đà Lạt. Hồi ký của Alexandre Yersin ghi lại, ngày 26-3-1899, họ đến Đ’ran vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên chưa có một người Việt nào sinh sống. Đ’ran chỉ là một buôn Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, họ lại lên đường đi tiếp chặng cuối.
Năm 1899, bác sĩ Etienne Tardif tham gia khảo sát làm tuyến đường từ Ninh Thuận lên cao nguyên Langbiang. Trong tác phẩm La Mission du Lang-Bian (Phái đoàn Lang Biang) xuất bản năm năm 1902, ông cho biết có đến Đ’ran vào lúc 2 giờ chiều ngày 15-6-1899, nhiệt độ lúc bấy giờ là 20⁰C. “Trạm Đ’ran nằm trong thung lũng sông Đồng Nai (Donai), trên độ cao 1.000 m. Trước khi đến sông, con đường mòn chạy ngang vùng đầm lầy, cách Đ’ran 1 km. Con đường mòn tiếp tục đi ngang qua khu rừng thưa, mặt đất như một tấm xốp thấm nước ao tù. Gần bờ sông, con đường mất hút giữa đám lau sậy. Trạm Đ’ran có vẻ như khá an toàn. Cách sông Đồng Nai khoảng 100 m, nằm giữa một cánh đồng cỏ và đất vừa mới khai hoang. Xa xa là làng của người Thượng với những cánh đồng lúa rộng lớn”.
Ngày trước, nếu đi lên Đà Lạt, khách từ Hà Nội hoặc Sài Gòn có thể đi xe lửa tới ga Tháp Chàm, sau đó “tăng bo” bằng xe lửa được thiết kế riêng để di chuyển trên đường sắt răng cưa vượt đèo. Nếu đi đường bộ bằng ô tô, khách cũng phải theo quốc lộ 1A, tới Phan Rang rẽ vào Ninh Sơn nay là Quốc lộ 27, qua đèo Ngoạn Mục (người Pháp gọi là Bellevue) tiếp tục vượt đèo Đ’ran lên Đà Lạt. Nhưng dù bằng phương tiện nào thì khách cũng đều phải đi ngang qua Đ’ran và thị trấn nghiễm nghiên trở thành nơi dừng chân của người và phương tiện sau hành trình dài mỏi mệt.
Trong số những lữ khách tình cờ ghé qua Đ’ran, có vài nhân vật đặc biệt đã “phải lòng” và neo lại phố thị nhỏ bé và thơ dại này. Đó là Đinh Cường, một họa sĩ nổi tiếng miền Nam trước năm 1975, được mệnh danh là “thi sĩ hoài niệm trong hội họa”. Thời tuổi trẻ cũng là quãng thời gian sáng tác sung sức nhất, Đinh Cường đã sống và vẽ trong không gian mơ màng sương khói của Đ’ran. Thị trấn cũng là nơi chứng kiến tình bạn tri kỷ giữa anh với người trưởng giáo dạy học ở B’lao mà sau này đã trở thành nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn. Vào ngày nghỉ, Trịnh Công Sơn thường nhảy xe đò từ B’lao về Đ’ran thăm bạn. “Kể từ những ngày còn lang bạt cùng bằng hữu, những chuyến xe đò thoăn thoắt đi về, nối liền tiếng chim cao nguyên với loài hải âu vùng biển. Rồi lời sóng chưa tan đã vội vàng nghe ra điệu suối”. “Về trên phố cao nguyên ngồi. Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi”… Bóng dáng Đ’ran đã len lỏi vào trang viết và âm nhạc của Trịnh mộng mơ và thiết tha như thế.
Trước giải phóng, Đ’ran là quận lỵ của quận Đ’ran, sau này trở thành huyện lỵ của huyện Đơn Dương nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, huyện lỵ dời về Thạnh Mỹ. Tuyến đường sắt răng cưa đi qua Đ’ran đã dừng hoạt động từ cuối năm 60 của thế kỷ trước do tình trạng chiến tranh ác liệt. Khi tuyến Quốc lộ 723 nối Đà Lạt - Nha Trang được mở ra, người và phương tiện từ miền Bắc, miền Trung tới Đà Lạt cũng chẳng còn đi qua Đ’ran nữa. Thị trấn như bị lãng quên nhưng điều này dường như lại là may mắn bởi đã giúp Đ’ran giữ được nhiều nét xưa mà ít đô thị nào có được. Đ’ran giờ đây vẫn chỉ dăm ba tuyến phố như thủa nào. Nhà cửa thưa thớt, nhỏ bé, xưa cũ. Nhiều địa danh bằng tiếng Pháp trước đây đến giờ vẫn còn gọi. Cư dân Đ’ran hiền hòa, mộc mạc. Đ’ran vẫn nửa phố, nửa làng.
Những chuyến về Đ’ran, tôi thường dừng lại trên đỉnh đèo vắng phía Trạm Hành bởi từ đây phóng tầm mắt về xa có thể thu trọn vào tầm mắt phố thị nép mình dưới chân đập nước, rồi xuôi theo cung đèo ngập nắng. Đôi khi dừng lại ngắm nhìn chững chiếc cầu, đường hầm hoang phế và miên man trong hình dung, mộng tưởng của riêng mình. Ở Đ’ran, tôi có vài người bạn. Đó là một nữ văn sĩ tật nguyền luống tuổi, tóc đã hoa râm nhưng nét xuân sắc vẫn còn rạng ngời trên khuôn mặt. Chị sống một mình trong căn nhà nhỏ, tồn tại một cách chật vật bằng nghề văn chương. Những tác phẩm của chị thường viết về tình yêu với những người đàn ông trong tưởng tượng, những mất mát, nỗi buồn và sự chia ly. Đó là cụ bà người Việt gốc Hoa Huỳnh Lệ Chương, chủ nhân tiệm uốn tóc Ba Lê thành lập tại Đà Lạt từ năm 1957 đến nay vẫn còn hoạt động. Ngày trẻ, bà là một trong những người thợ đầu tiên làm tóc ở Đà Lạt nhưng sau này đã để lại cho con cháu rồi dọn về Đ’ran sống trong căn nhà cũ có từ thời Pháp, bà đã mất cách đây vài năm. Là một là một người lính trở về từ phía bên kia, hiện sống bằng nghề bán cà phê và trồng rau ở thị trấn. “Sao ông không ra nước ngoài như các chiến hữu của mình?” Trả lời câu hỏi của tôi, ông bảo: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây. Với tôi, chẳng có nơi nào dễ thương như quê mình. Tôi bằng lòng và hạnh phúc với những gì đang có thì cớ sao lại phải rời xa?”
Ừ nhỉ, một người khách lạ như tôi mà Đ’ran đã thành miền mơ tưởng thì với tao nhân, mặc khách hay với những người sinh ra từ vùng đất ấy, Đ’ran nhớ thương, máu thịt cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202007/thi-tran-ngu-quen-thao-thuc-mien-nho-3013252/