Thị phần hàng hóa Việt Nam còn rất khiêm tốn tại Anh do thiếu chiến lược và cách thức tiếp cận
Xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Vương quốc Anh thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thị phần hàng hóa Việt Nam tại Anh còn khiêm tốn, chỉ khoảng 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh...
Tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh: Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” ngày 30/10, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết sau hơn 3 năm triển khai thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng liên tục và ổn định.
THIẾU CHIẾN LƯỢC, THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.
Trao đổi hàng hóa của hai nước tăng tới 18,8%, và tất nhiên cũng tăng trưởng cao hơn mức trung bình của Việt Nam sang châu Âu. Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng năm 2024 cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Vương quốc Anh. Ví dụ, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê, thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định UKVFTA. Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của Hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm. Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về tiêu dùng xanh, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm rất ít trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Người tiêu dùng Anh chưa biết nhiều về các thương hiệu Việt Nam. Nhận diện thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh còn thấp.
Hơn nữa, chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính, trong khi chi phí logistics lớn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quy hoạch.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa còn chưa cao, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu tham tán công sứ tại Vương quốc Anh, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động, có kỹ năng về công nghệ số, tiếp thị số khi tiếp cận thị trường Anh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp dù có sản phẩm tốt nhưng không quen phương pháp tiếp cận thị trường và phương pháp tìm kiếm thông tin trên thị trường, buộc họ phải xuất khẩu qua các công ty trung gian, các công ty môi giới.
Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp chưa xây dựng được một chiến lược và cách thức hiệu quả tìm kiếm, tiếp cận thông tin về thị trường và đối tác, nhất là sau khi Vương quốc Anh tách khỏi khối EU.
NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG BÀI BẢN
Tại tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng tiềm năng thị trường Anh còn rất lớn cho hàng hóa Việt Nam. Theo ông Thành, không chỉ UKVFTA, Việt Nam và Vương quốc Anh cùng là thành viên của CPTPP sẽ mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực. Điều này sẽ tạo thuận lợi hóa hơn nữa cho việc làm ăn kinh doanh của Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Do đó, để khai thác các hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh tốt hơn, khi xuất khẩu và kinh doanh tại thị trường Anh, doanh nghiệp cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, về thương mại, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đóng thuế… của Chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, công cụ tra cứu bản đồ thương mại ITC để theo dõi tình hình của xuất nhập khẩu cũng như là từng ngành hàng, từng mặt hàng cụ thể.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương, qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài…
Thẩm định kỹ lưỡng thông tin khách hàng, đối tác trước khi mà ký kết hợp đồng hay làm ăn kinh doanh, thậm chí cần thiết thuê các đơn vị tư vấn pháp lý hay thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại Anh.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc này, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến sâu, tối ưu chu trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường Anh - một thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu trên thế giới.
Điểm nữa là cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tìm kiếm những đối tác để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Anh vào trong dây chuyền sản xuất cụ thể của doanh nghiệp, qua đó tận dụng vốn, công nghệ của đối tác.
Mặt khác, cần xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm để có nghiên cứu chuyên sâu về thị hiếu, xu hướng thị trường để đưa ra kế hoạch chiếm lĩnh thị trường một cách bài bản.
Bổ sung thêm, ông Cường nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới yêu cầu phát triển bền vững tại Anh. Đơn cử, Anh yêu cầu không sử dụng bao bì nhựa, minh bạch chuỗi cung ứng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các công cụ số hóa.