'Thị Nở' Đức Lưu nhớ lại kỷ niệm thuở cùng vai quần chúng với 'A Phủ' Trần Phương

'Thuở xưởng phim còn ít phim, ít diễn viên nên ở 'Chung một dòng sông' tôi đóng vai cô thư ký gián điệp, còn anh Phương quần chúng. Rồi đến 'Vợ chồng A Phủ', anh Phương lên nam chính thì tôi lại đóng quần chúng - vai mấy cô bạn rủ Mị đi chơi xuân...', NSƯT Đức Lưu chia sẻ.

Thông tin NSND Trần Phương – người đóng vai A Phủ trong bộ phim kinh điển "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc qua đời ở tuổi 91 khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ tiếc thương.

NSND Trà Giang tôn ông là "con chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam". NSND Đặng Nhật Minh xem ông là "tài năng lớn của điện ảnh Việt Nam".

Là đồng nghiệp từ thuở còn chung xưởng phim, NSƯT Đức Lưu cho biết, NSND Trần Phương luôn là ngôi sao của xưởng phim thời đó. Bà và nam nghệ sĩ biết nhau từ thuở đóng chung quần chúng trong phim "Chung một dòng sông".

Nghệ sĩ Trần Phương vào vai A Phủ khi 29 tuổi.

"Thuở xưa, xưởng phim cũng ít sản phẩm, phim đếm trên đầu ngón tay vì tốn kém. Từ "Chung một dòng sông" đến "Vườn cam", "Cô gái công trường", "Vợ chồng A Phủ",... cứ thứ tự như thế. Xưởng phim cũng không nhiều kinh phí nên thường tận dụng hết diễn viên trong xưởng để không phải thuê người.

Vì thế những ai không có vai chính, thứ chính thì đều được huy động đi đóng vai quần chúng. Ở "Chung một dòng sông" tôi đóng vai cô thư ký gián điệp, còn anh Phương quần chúng. Rồi đến "Vợ chồng A Phủ", anh Phương lên nam chính thì tôi lại đóng quần chúng - vai mấy cô bạn rủ Mị đi chơi xuân.

Cả đoàn phim chúng tôi lên Ba Vì nằm sàn lán, một đầu sàn là dàn diễn viên nữ, đầu kia là của diễn viên nam. Rồi lăn lộn nắng nôi suốt một thời gian để quay xong "Vợ chồng A Phủ". Nhưng nói chung thuở đó cũng vui vì anh chị em nghệ sĩ "nhảy" nhiều chất vai lắm", NSƯT Đức Lưu chia sẻ.

Về vai diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp NSND Trần Phương, bà cho biết cũng thích nhất "A Phủ" Trần Phương: "Nếu sau này có làm lại phim chắc khó ai "qua mặt" được anh ấy".

NSND Trần Phương là gương mặt gạo cội của màn ảnh Việt

Những năm tháng cách mạng, số lượng phim không nhiều nhưng hầu hết phim NSND Trần Phương đều được giao vai chính.

"Tôi cảm nhận anh Phương nhưng sinh ra để làm diễn viên. Dù không học trường điện ảnh nhưng bẩm sinh anh đã có tố chất nghệ thuật, từ dáng vóc đến tính cách, thông minh nhanh nhạy nên vào vai nào cũng rất ngọt. Đặc biệt gương mặt lãng tử "ăn hình" nên anh luôn được nhận vai chính diện, có cho cũng không phản diện được", "Thị Nở" Đức Lưu chia sẻ.

Trên phim là thế, còn ngoài đời, theo "Thị Nở", "A Phủ" là nam nhân đẹp trai, tài hoa, có tâm tính, rất tốt với bạn bè - nhất là các cô gái. Cách đây 2-3 năm bà cùng nhiều nghệ sĩ cùng thời đã vào viện dưỡng lão thăm nghệ sĩ Tuệ Minh và nghệ sĩ Trần Phương.

"Hồi đó Tuệ Minh bệnh nặng còn anh Phương chưa bệnh tật, nằm an dưỡng tuổi già ở viện dưỡng lão. Hôm đoàn chúng tôi đến thăm anh còn đi cùng đoàn sang thăm Tuệ Minh. Lớp nghệ sĩ cùng thời chẳng còn mấy người nên gặp nhau ai cũng mừng. Anh Phương còn mừng hơn vì nhiều người nói thương anh cuối đời vất vả, cô độc", NSƯT Đức Lưu nhớ lại.

Tuy nhiên, theo bà: "Mặc dù ai cũng nói thương, xót xa cho anh về những năm tháng xế chiều nhưng anh chưa bao giờ than thở, lúc nào cũng mỉm cười. Tôi hay gọi ông là Trần Phương mắt tít".

Nghệ sĩ Đức Lưu (vai Thị Nở) tới thăm NSND Trần Phương tại trung tâm dưỡng lão

Lễ tang NSND Trần Phương tổ chức chiều 30/8, NSƯT Đức Lưu cho biết chắc chắn sẽ đến đưa tiễn người đồng nghiệp tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà cũng muốn đến thăm nhà của nam nghệ sĩ - nơi ông dành cả đời để ở và cống hiến cho nghệ thuật.

NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên và được biết đến là một trong những gương mặt diễn viên tài năng kỳ cựu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động vì nghệ thuật của mình, NSND Trần Phương để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm với vai diễn A Phủ trong tác phẩm điện ảnh “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/thi-no-duc-luu-nho-lai-ky-niem-thuo-cung-vai-quan-chung-voi-a-phu-tran-phuong-20200827142159513.htm