Thêm một tập hồi ký về Căn cứ địa cách mạng Khu 10

Gần 2 năm sau khi xuất bản tập đầu tiên hồi ký 'Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên', mới đây, tập II với nhan đề như trên đã ra mắt quý bạn đọc. Đây là tư liệu quý nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tập sách do Ban Thường vụ và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo về nội dung. Ban Biên soạn là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.

Với dung lượng 320 trang, tập sách được kết cấu thành 2 nhóm nội dung. Phần thứ nhất gồm những bài viết về một số ban ngành, cơ quan, đơn vị trong những năm tháng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành ở Căn cứ địa cách mạng Khu 10. Phần thứ hai với dung lượng dày dặn dành để đăng tải những dòng hồi ức và kỷ niệm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cơ quan tỉnh trong 20 năm chiến đấu, lao động, học tập, công tác ở Căn cứ cách mạng Krong (1955-1975).

Bìa cuốn hồi ký "Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên", tập 2. Ảnh: D.L

Đọc tập hồi ký, chúng ta như được sống lại những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ cách mạng ở chiến khu Krong. Từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban ngành, cơ quan, đơn vị đến nhân viên văn phòng, cấp dưỡng, y tá, giao liên, giao bưu, văn công… hiện ra một cách sinh động với những sự kiện, tình huống rất cụ thể, chân thực.

Để quý bạn đọc hình dung về tính chân thực của tập sách, người viết xin trích 1 đoạn trong dòng hồi ức của ông Huỳnh Được-nguyên Phó ban Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Gia Lai-Kon Tum về Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình: “Chiều mùa khô (khoảng tháng 2 năm 1969), đoàn chúng tôi tới trạm giao liên ở Khu 10, tôi nằm ở lán chờ tổ chức phân công nhiệm vụ thì anh Trần Văn Bình (Đẳng) đi vào lán. Thấy tôi, anh Bình hỏi ngay: Cậu làm gì ở đây? Gặp lại anh Bình, tôi mừng quá quên luôn việc trả lời câu hỏi của anh, tôi hỏi lại, anh có phải là anh Bình không? Anh trả lời, tôi nhớ cậu mà, cậu tên là Được. Hai anh em ngồi ôn lại chuyện cũ. Tôi kể anh nghe khoảng thời gian tôi sống ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lúc này tôi mới biết anh là Bí thư Tỉnh ủy”.

Và đây là dòng hồi ức của ông Hoàng Lạc-nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai về người Bí thư Tỉnh ủy rất được mọi người trân quý: “Hồi ấy, tụi tui cùng là nhân viên phục vụ Bí thư nên rất quý nhau. Tình yêu thời kháng chiến không như bây giờ. Thương nhau chỉ biết để trong bụng… Và một điều bất ngờ đã xảy ra. Ông đứng ra làm chủ hôn cho 2 chúng tôi. Đặc biệt hơn là đám cưới của chúng tôi được tổ chức sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V tại khu căn cứ Krong”.

Còn đây là những kỷ niệm khó quên của ông Nguyễn Minh Đồng-nhân viên chiếu bóng thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về người cộng sự của mình trong những năm tháng ở căn cứ cách mạng Krong: “Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh Kinh là vóc dáng anh quá nhỏ bé so với độ tuổi 23 của mình. Vậy nên, cứ hễ làm việc nặng, tôi đều giúp anh vài phần, mặc dù tinh thần làm việc của anh rất nghiêm túc và chưa bao giờ nhờ vả đồng đội. Anh cũng là người rất biết quan tâm người khác. Nhờ anh tận tụy chăm sóc mà tôi đã vượt qua được cơn sốt thập tử nhất sinh hồi năm 1972”.

Mặc dù chỉ là những mảnh ghép liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của từng cá nhân, song tập hồi ký đã giúp người đọc hình dung một cách rõ nét về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu nơi trung tâm đầu não của tỉnh Gia Lai trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975).

Điều đó góp phần lý giải nguyên nhân vì sao Mỹ ngụy thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá với quy mô lớn và thủ đoạn thâm hiểm nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 vẫn trụ vững trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ.

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/them-mot-tap-hoi-ky-ve-can-cu-dia-cach-mang-khu-10-post261328.html