Thể thao Nga trước những thách thức lớn

Thể thao Nga đứng trước nhiều khó khăn sau khi Ủy ban Olympic Quốc Tế (CIO), FIFA và UEFA đưa ra các lệnh cấm thi đấu ở nhiều môn nhằm phản đối cuộc chiến của Nga tại Ukraine hiện nay.

Người “nổ phát súng” đầu tiên là CIO. Ngày 28-2, CIO “khuyến cáo các liên đoàn thể thao quốc tế, các nhà tổ chức hoạt động thể thao không mời hoặc không cho phép các vận động viên đại diện chính thức của Nga và Belarus tham dự các cuộc thi đấu quốc tế”. Tổ chức này cho biết quyết định được đưa ra sau cuộc họp của ban điều hành để “bảo vệ tính chính trực của các giải đấu và sự an toàn của người tham gia”.

Ngay sau đó, một loạt liên đoàn như Liên đoàn Đua xe thế giới (FIA), Liên đoàn Rugby thế giới (World Rugby), Liên đoàn Khúc côn cầu thế giới (IIHF), Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC)... đã hưởng ứng khuyến cáo của CIO, theo đó hủy bỏ một loạt trận thi đấu điền kinh, bơi lội, trượt băng quần vợt, bóng rổ, quyền Anh với Nga, cấm các vận động viên Nga thi đấu dưới màu cờ quốc gia. Nhiều sự kiện tranh tài thể thao hàng đầu được lên lịch tổ chức tại Nga trong năm 2022 lần lượt bị hủy bỏ, trong đó có Olympiad cờ vua và Giải vô địch bóng chuyền nam thế giới.

Đội thể dục dụng cụ trong màu áo của Ủy ban Olympic Nga giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: news.cn

Đáng chú ý hơn, trước sức ép từ Ba Lan, Thụy Điển, và Séc, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) quyết định đình chỉ vô thời hạn sự tham gia của Nga vào các giải đấu quốc tế thay vì chỉ cấm tạm thời đối với tên, quốc kỳ và quốc ca cũng như lệnh cấm đăng cai các trận đấu quốc tế của Nga. Quyết định trên đồng nghĩa với việc Đội tuyển bóng đá nam Nga không thể tham gia trận play-off tranh vé dự World Cup 2022 gặp tuyển Ba Lan vào cuối tháng 3 này. Cùng với đó, đội tuyển bóng đá nữ của nước này cũng sẽ không thể tham gia Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu diễn ra vào mùa hè tới.

Liên đoàn Bóng đá Nga (RFU) lập tức cáo buộc hành động tước quyền thi đấu của các đội tuyển Nga của FIFA và UEFA đã vi phạm nghiêm trọng các quyền, nguyên tắc cơ bản trong thể thao và đi ngược lại với tinh thần fair-play. Theo tôn chỉ của FIFA, liên đoàn này duy trì thái độ trung lập trong các vấn đề chính trị và tôn giáo. Chỉ có thể có ngoại lệ khi có các vấn đề bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu trong quy chế FIFA. Ngoài ra, các liên đoàn cần đảm bảo các nguyên tắc điều hành, gồm: Trung lập với các vấn đề chính trị và tôn giáo; Cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử; Độc lập và tránh bất cứ sự can thiệp chính trị nào. Trong đơn kiện FIFA và UEFA gửi lên Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế mới đây, RFU yêu cầu 2 liên đoàn trên khôi phục quyền tham dự mọi giải đấu bóng đá của hai đội tuyển nam và nữ, bao gồm cả vòng loại World Cup 2022 cũng như bồi thường thiệt hại do lệnh cấm phi lý này.

Trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế, các vận động viên (VĐV) Nga vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Kể từ năm 2018, đoàn thể thao Nga đã bị cấm thi đấu ở thế vận hội hay các giải quốc tế sau khi bị cáo buộc vi phạm các quy định phòng chống doping một cách có hệ thống và không cung cấp tài liệu phục vụ điều tra theo yêu cầu. Vì thế, tại Thế vận hội Olympic Pyeongchang ở Hàn Quốc năm 2018 hay Thế vận hội Tokyo 2020 tổ chức tại Nhật Bản, đoàn thể thao Nga đã phải thi đấu theo hình thức trung lập dưới lá cờ của Ủy ban Olympic Nga. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các VĐV Nga đã thể hiện sự đoàn kết, tình hữu nghị và nỗ lực đồng lòng vượt khó chinh phục những đỉnh cao thành tích, hướng tới tương lai của một nền thể thao trong sạch.

Tuy nhiên, quyết định tẩy chay Nga khỏi các sự kiện thể thao lớn của CIO, FIFA và UEFA liên quan tới căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine mới đây được cho là một thiệt thòi lớn đối với nhiều VĐV Nga, nếu không nói là bất công. Các VĐV hoàn toàn không có lỗi và không đáng bị trừng phạt trong trường hợp này. “Không cho các đội thể thao, VĐV Nga thi đấu quốc tế là không công bằng và đi ngược lại các giá trị về tình đoàn kết, hòa bình mà thể thao đã dạy cho chúng ta. Ai, ngoài các VĐV, sẽ là người mang các quốc gia lại gần nhau ở nhiều thời điểm”, cựu tay đua F1 người Nga Daniil Kvyat viết trên trang mạng xã hội cá nhân hôm 1-3 như vậy.

Trong khi đó, nhiều nhà chuyên môn nhận xét, lệnh cấm dẫn tới sự vắng mặt của các đội tuyển Nga tại các giải đấu lớn sẽ có tác động nhất định. Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay luôn nằm trong top những quốc gia có nền thể thao mạnh, đặc biệt trong những môn như: Bóng đá, cờ vua, boxing, quần vợt, bóng chuyền, thể dục dụng cụ, vật, judo, trượt băng nghệ thuật.... Nước Nga còn là một trong những quốc gia sản sinh rất nhiều VĐV nổi tiếng như: “Vua cờ” Garry Kasparov, “Quái vật phương Đông” Nikolai Valuev, tay vợt nữ Maria Sharapova... Trong làng bóng chuyền thế giới, Liên Xô trước đây và nay là Nga luôn là một thế lực đáng ngại nhất ở bất cứ giải đấu nào. Trên bảng xếp hạng các đội tuyển bóng chuyền mạnh nhất thế giới, Nga luôn nằm trong top 4.

Việc đoàn thể thao Nga không có mặt tại các giải đấu lớn có thể sẽ khiến nước này tụt dần vị thế của mình trên đấu trường thể thao thế giới. Đây là điều đáng tiếc không chỉ với đoàn thể thao Nga nói chung mà với mỗi VĐV Nga nói riêng. Với người hâm mộ, không được xem đội tuyển Nga thi đấu cũng là một thiệt thòi lớn khi không được chứng kiến sự thăng hoa của mỗi VĐV. Hơn lúc nào hết, người hâm mộ mong muốn sự trở lại của đoàn thể thao Nga tại các giải đấu với một tinh thần fair-play, phi chính trị và đoàn kết.

Yên Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/the-thao-nga-truoc-nhung-thach-thuc-lon-i647664/