Thế giới 6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
TTH - Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.
Năm 2023 sẽ chứng kiến nhiều xu hướng mới xuất hiện trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: B.T.N/Thanh Niên
Đặc biệt, việc mở cửa trở lại biên giới của Trung Quốc và phục hồi tiêu dùng được dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế, trong khi Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiếp tục mở rộng tiềm năng tăng trưởng.
Giới chuyên gia nhận định, có 6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023:
Địa chính trị đang định hình lại chuỗi công nghiệp toàn cầu
Thế giới hiện nay đang theo sát tác động của xung đột Nga - Ukraine. Nếu xung đột tiếp tục, ngoài việc gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, nó có thể gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng mới, đẩy lạm phát lên cao, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và mở rộng rủi ro địa chính trị.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra vào năm 2018 và hiện nay, công nghệ là trung tâm của cuộc giao tranh này. Trong những năm tới, các hạn chế đối với thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước sẽ tiếp tục và lan rộng hơn sang lĩnh vực công nghệ cốt lõi - đơn cử như chất bán dẫn, 5G, pin, khoáng sản và vật liệu. Có nghĩa là chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trong việc tìm kiếm sự cân bằng mới giữa chi phí, an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách.
Cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine gây ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài, có khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn, trong đó cần kể đến là tạo ra năng lượng bền vững...
Quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi đầu tư lớn và hỗ trợ từ thị trường vốn. Các nhà đầu tư tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tài trợ của chính phủ. Về lâu dài, việc chuyển đổi hệ thống năng lượng sẽ tạo ra một chuỗi công nghiệp dựa trên năng lượng mới và công nghệ mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, dự án khổng lồ này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, mà sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác lâu dài của các ngành và các bên liên quan trong xã hội.
Công nghệ tài chính sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai
Khả năng phục hồi do số hóa mang lại cho các doanh nghiệp đã được thể hiện đầy đủ trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục là cốt lõi của các chiến lược kinh doanh. Công nghệ tài chính toàn cầu sẽ mở ra những thay đổi mới, bao gồm tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số (CBDC) và tài sản ảo, không chỉ cải thiện trải nghiệm dịch vụ khách hàng mà còn mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp.
Kinh tế Ấn Độ và ASEAN sẽ là điểm sáng trong tăng trưởng toàn cầu
Được thúc đẩy bởi việc chuyển giao sản xuất, số hóa, chuyển đổi năng lượng và nâng cấp ngành dịch vụ, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,425 tỷ người trong tháng 4/2023, được xếp hạng là quốc gia đông dân nhất thế giới, theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc. Điều này có nghĩa là một thế hệ thanh niên Ấn Độ mới sẽ trở thành người tiêu dùng và lao động lớn nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Ở Đông Nam Á, sản xuất ôtô, điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và công nghệ tài chính sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng chính trong khu vực. Điều này diễn ra sau khi Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2025, với quy mô thị trường là 39 tỷ USD, gấp 3 lần tổng số ước tính là 13 tỷ USD ghi nhận trong năm 2021.
Kinh tế Trung Quốc kỳ vọng phục hồi dần dần
Mặc dù vẫn còn những biến cố trong đợt dịch COVID-19, nhưng việc Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại và các chính sách toàn diện hơn để hỗ trợ ngành bất động sản của nước này sẽ là động lực hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa các nhà sản xuất lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời nền kinh tế kỹ thuật số cũng trở thành xương sống cho thương mại.
Cạnh tranh nhân tài khốc liệt hơn
“Tình trạng nghỉ việc” xuất hiện kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lên đỉnh điểm không chỉ tập trung vào lĩnh vực tài chính, mà còn là thách thức chung mà các ngành và các nước trên thế giới phải đối mặt. Vào năm 2023, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài giữa các quốc gia sẽ trở nên khốc liệt hơn khi nhiều công ty đa quốc gia đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu và các nền kinh tế khác nhau đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút các công ty và nhân tài.
Các chuyên gia nhận định rằng, thế giới nên tiến thêm một bước trong việc đào tạo và giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chống biến đổi khí hậu.
Khi quá trình phục hồi toàn cầu tiếp tục vào năm 2023, một con đường gập ghềnh vẫn còn chờ đợi nền kinh tế thế giới ở phía trước. Chu kỳ suy thoái kinh tế được nhận định có thể sẽ làm nổi bật các lĩnh vực tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế và các cơ hội cho doanh nghiệp.