Thay vì hút dầu, Vùng Vịnh đang thu hút những người giàu

Các quốc gia Vùng Vịnh đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới nhà giàu toàn cầu khi họ áp dụng các chiến lược kinh tế mới để duy trì thời kỳ thịnh vượng.

Từ Beyoncé đến Ronaldo…

Các ngôi sao thể thao và âm nhạc, các tỷ phú công nghệ và những người có ảnh hưởng đang đổ dồn đến Dubai (UAE), với hơn 30 chuyến bay thuê bao (charter) mỗi ngày hạ cánh xuống đây. Các thượng khách đều được phục vụ bánh macarons và cà phê cappuccino với khuôn mặt của họ được in trên bọt.

Cristiano Ronaldo chỉ là một trong số những người nổi tiếng và giàu có đang đổ xô đến Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác ở Vùng Vịnh. Ảnh: Getty

Họ đến một thành phố nơi các giao dịch bất động sản tăng vọt, với các nhà hàng được gắn sao Michelin và những khu nghỉ dưỡng xa hoa. Mới đây, nữ diva Beyoncé đã biểu diễn tại buổi khai trương của Atlantis the Royal, một khách sạn tự gọi mình là “siêu sang trọng nhất” thế giới, với mức giá lên tới 37.000 USD một đêm.

Cách đó khoảng 900 km, ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo - người đã gia nhập CLB Al-Nassr cả Ả Rập Xê Út vào tháng 12 với mức lương 200 triệu USD/năm - đang sống trong căn hộ penhouse của tòa tháp Kingdom Tower tại ở Riyadh. Siêu sao người Bồ Đào Nha cùng với bạn gái và các con của họ đang học tiếng Ả Rập.

Từng được coi là một vùng đất sa mạc khô cằn và thiếu hấp dẫn, Vùng Vịnh nay trở thành thỏi nam châm thu hút giới nhà giàu toàn cầu. Chủ ngân hàng châu Âu, nhà quản lý quỹ của Mỹ, cho tới nhà sáng lập công nghệ Israel…., tất cả đang kéo đến Vùng Vịnh, nơi không có thuế thu nhập và cuộc sống ngày càng phong phú về cả ẩm thực, thể thao và nghệ thuật.

Sự bùng nổ chủ yếu tập trung vào UAE và Ả Rập Xê Út, nhưng Qatar cũng đang tham gia vào cuộc chơi. Vẫn rực rỡ sau lần đầu tổ chức một kỳ World Cup vào năm ngoái, Qatar liên tục đón các phái đoàn từ châu Âu và châu Á ghé thăm, khẳng định vị thế của một điểm đến hấp dẫn cho các quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung khí tự nhiên mới.

“Những doanh nhân công nghệ chuyển đến Vùng Vịnh. Giới kinh doanh tài chính cũng chuyển đến Vùng Vịnh. Thời trang cũng chuyển đến Vùng Vịnh”, Adel Mardini - CEO của Jetex, một công ty hàng không tư nhân có trụ sở tại UAE, cho biết. “Người nổi tiếng, những người ảnh hưởng trên mạng xã hội, tất cả bọn họ đều đến đây”.

Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt

Các nền kinh tế Vùng Vịnh đã nắm bắt kịp thời động lực tăng trưởng khi cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến giá dầu thô tăng cao cũng như sự chuyển hướng dòng nhân lực, hàng hóa và vốn toàn cầu.

Tiền và công dân Nga đổ về đã thúc đẩy thị trường bất động sản của Dubai, và thành phố cũng trở thành một điểm trung chuyển quan trọng để đưa hàng hóa phương Tây vào Nga.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman nói chuyện với Tổng thống Armenia Armen Sarkissian trong diễn đàn Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh hồi năm 2021. Ảnh: GI

Tại Dubai, giá thuê nhà đã tăng hơn 25% trong năm qua và số lượng giao dịch bất động sản đang ở mức cao nhất mọi thời đại, theo dữ liệu của CBRE Group, một công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ. Các biệt thự và tòa nhà chọc trời bên bờ biển đã chứng kiến một làn sóng đầu tư của Nga nhờ các chuyến bay thương mại đến Moscow được duy trì và việc thực thi hạn chế các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Vùng Vịnh trước đây từng bùng nổ nhờ dầu mỏ, khi giá dầu thô tăng trên 100 USD/thùng. Thừa mứa tiền bạc, nhiều quân chủ nơi đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào các “dự án voi trắng”, vốn đòi hỏi chi phí tốn kém đến phi lý để duy trì, đồng thời phát tiền mặt cho người dân để tập hợp sự ủng hộ.

Nhưng sự bùng nổ bây giờ rất khác. Với việc Thỏa thuận Paris năm 2015 thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phương Tây sang năng lượng tái tạo, các quốc gia dầu mỏ Vùng Vịnh giật mình nhận ra rằng họ cần đầu tư lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ để đa dạng hóa nền kinh tế.

Thay vì chỉ gửi tài sản dầu mỏ vào thị trường trái phiếu và chứng khoán phương Tây, các nước Vùng Vịnh chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Các quỹ tài sản có chủ quyền của họ đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào vô số doanh nghiệp trên toàn cầu. Theo công ty tư vấn Global SWF, 5 trong số 10 nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước hàng đầu thế giới năm ngoái đến từ Vùng Vịnh.

UAE và Ả Rập Xê Út đang tự do hóa nền kinh tế của mình bằng các chính sách và luật nhập cư lỏng lẻo hơn, ít ràng buộc hơn khỏi các quy định khắt khe của Hồi giáo. Nhờ đó, dù vẫn còn những hạn chế đáng kể nhưng các quốc gia này đã thu hút nhiều khách du lịch và lao động nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất Vùng Vịnh vào năm ngoái, đạt 8,7%. Và 2023 dự kiến sẽ là một năm sinh lợi khác đối với quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này. UAE chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út, với 7,6% còn Qatar tăng trưởng 4,8%, tốc độ nhanh nhất của nước này trong gần một thập kỷ.

Bức tranh mới của Vùng Vịnh đang hình thành

Sự bùng nổ kinh tế của các quốc gia này đang tái cân bằng địa chính trị ở Trung Đông. Các chế độ quân chủ Vùng Vịnh đã trở thành đối tác có ảnh hưởng nhất của Washington.

Nhưng họ cũng biết cách tận dụng bối cảnh mới, khi sẵn sàng theo đuổi các chính sách đối ngoại và lợi ích kinh tế mâu thuẫn với Mỹ, bao gồm các chính sách dầu mỏ có lợi và cắt xén các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.

Palm Jumeirah, quần đảo nhân tạo ở UAE, đang được xem như biểu tượng mới ở Vùng Vịnh, thay vì hình ảnh của những thùng dầu mỏ như trước. Ảnh: Wiki

Với những dòng tiền đầu tư mạnh mẽ trong tay và cách tiếp cận thời cuộc mới, Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Tổng thống UAE, Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đang biến Vùng Vịnh thành một trung tâm quyền lực độc lập.

Những nỗ lực của họ nhằm làm hòa với đối thủ Iran, chấm dứt chiến tranh ở Yemen và chấm dứt tình trạng cô lập của Syria đang làm dấy lên hy vọng về một thời kỳ thịnh vượng lâu dài hơn cho khu vực, mặc dù không phải theo cách nhất thiết phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Trong khi đó, các thủ đô truyền thống của Ả Rập như Cairo, Damascus và Baghdad, đang bị ảnh hưởng bởi hơn một thập kỷ xung đột, khủng hoảng kinh tế và sự quản lý yếu kém của chính phủ. Abdulkhaleq Abdulla, nhà khoa học chính trị nổi tiếng của UAE tại Đại học Emirates cho biết: “Tất cả điều đó quy về một thứ: Vùng Vịnh mới... Tự tin là tên của trò chơi ở đây”.

Sự bùng nổ kinh tế cũng tạo ra một số động lực cho tự do hóa xã hội. UAE đã cắt giảm thuế đối với rượu, cho phép các cặp vợ chồng chưa kết hôn sống cùng nhau và cấp thị thực mới khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn. UAE cũng hợp pháp hóa việc mang các sản phẩm có cần sa vào nước này và cho biết động thái tiếp theo sẽ là cho phép các sòng bạc.

Ả Rập Xê Út cũng dự kiến sẽ bỏ lệnh cấm rượu. Quốc gia Hồi giáo nổi tiếng bảo thủ này đã cho phép phụ nữ lái xe và những người đàn ông và phụ nữ không liên quan được tiếp xúc ở nơi công cộng. Riyadh còn đang nhắm đến việc cho ra đời một hãng hàng không hùng mạnh nhằm cạnh tranh với các tên tuổi đã rất thành công trong khu vực: Emirates của Dubai và Qatar Airways của Qatar.

Theo trưởng Ngoại thương UAE, ông Ahmed Al Zeyoudi, để tiếp tục thu hút mọi người đến UAE, nước này đang xem xét chấp thuận các quỹ hưu trí tư nhân theo kiểu 401(k), hiện không dành cho người nước ngoài và các phương án giảm chi phí bảo hiểm y tế cho những người muốn nghỉ hưu ở đây.

Tất cả những động thái ấy cho thấy, UAE, và những người láng giềng Vùng Vịnh đều đang rất quyết tâm theo đuổi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm đảm bảo một sống sung túc ngay cả khi không còn dầu mỏ nữa.

Khánh Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-vi-hut-dau-vung-vinh-dang-thu-hut-nhung-nguoi-giau-post250383.html