Thầy trò đất Cảng tự hào viết tiếp lịch sử vẻ vang của dân tộc

Giữa tháng 4 lịch sử, ngành Giáo dục Hải Phòng có nhiều hoạt động 'về nguồn' ý nghĩa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Học sinh Trường THPT Kiến Thụy hân hoan hướng về những ngày Kỷ niệm trọng đại của đất nước và thành phố.

Học sinh Trường THPT Kiến Thụy hân hoan hướng về những ngày Kỷ niệm trọng đại của đất nước và thành phố.

Những câu chuyện lịch sử ý nghĩa

Sáng 24/4, gần 1.900 cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Kiến An (quận Kiến An, TP Hải Phòng) có những phút giây tự hào, ý nghĩa và trân quý khi cùng Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng trên con tàu ngược dòng thời gian về với chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Sự kiện càng ý nghĩa hơn khi những câu chuyện lịch sử từ nhân chứng sống được kể đúng dịp cả nước đang hướng về Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đặc biệt, hòa trong không khí hân hoan của cả nước, thầy trò ngành Giáo dục Hải Phòng đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố Hải Phòng.

 Câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Khuôn viên sân Trường THPT Kiến An lắng đọng trước những câu chuyện đầy xúc động của người chiến sỹ Lưu Xuân Cải về năm tháng rèn luyện, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Ngược dòng lịch sử, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải kể, ngày ấy dù mới 17 tuổi, cân nặng mới có 49kg, nhưng chàng trai trẻ Lưu Xuân Cải đã xung phong lên đường nhập ngũ, lạc quan, không toan tính thiệt hơn. Kí ức của "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" ùa về trong ông như một mạch cảm xúc trào dâng tận con tim người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ông tự hào kể về ước nguyện tòng quân thành hiện thực. Rồi thời gian huấn luyện tại Trung đoàn 5 Yên Tử - trung đoàn được mệnh danh là "Trung đoàn huyền thoại".

 Gần 1.900 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường lắng nghe những câu chuyện lịch sử xúc động.

Gần 1.900 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường lắng nghe những câu chuyện lịch sử xúc động.

Câu chuyện chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 với 81 Ngày đêm sống chết với quân thù khiến nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh xúc động trào dâng. Giây phút chia ly, sinh tử, tình yêu nước, tình đồng đội keo sơn gắn bó là những bài học lịch sử ý nghĩa mà người lính già trong chiến trường đạn bom năm ấy muốn gửi trao lại cho thế hệ trẻ ngày nay. Để từ đó các em thêm yêu, tự hào về con người và đất nước Việt Nam, nguyện nỗ lực phấn đấu, luyện rèn vì ngày mai lập nghiệp.

Em Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 10C4 xúc động: Khi nghe bác Lưu Xuân Cải kể về hình ảnh những chiến sỹ hy sinh cùng tiếng gọi “mẹ ơi” vang dòng sông Thạch Hãn em không cầm được nước mắt. Thời điểm hy sinh, các chiến sỹ mới tuổi đôi mươi, thậm chí chỉ 18-19 tuổi, đó là tuổi đẹp nhất của đời người với bao dự định, ước mơ, hoài bão. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, giọng đọc trầm ấm có phần nghẹn ngào của Thiếu tướng đưa em về lịch sử đáng tự hào của dân tộc.

 Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng.

Em Trần Thùy Trang, lớp 12A1 chia sẻ, em rất cảm động khi nghe Thiếu tướng kể về việc mẹ ông đã lập bàn thờ ở quê nhà khi nhận giấy báo tử của con, chính quyền tặng Bằng tổ quốc ghi công trịnh trọng treo trước bức ảnh truyền thần. Rồi, “liệt sỹ” Lưu Xuân Cải bằng da, bằng thịt trở về thăm mẹ và gia đình khiến người mẹ già tưởng đó là “bóng ma” của con. Sau khi vặn ngọn đèn dầu le lói, cụ sờ mặt, người và chiếc mũ tai bèo, cùng ba lô trên vai Lưu Xuân Cải thì mới biết con mình còn sống trở về. Cụ ngất đi trong niềm vui sướng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những câu chuyện về lòng dũng cảm của các chiến sĩ xông pha nơi chiến trường, sự hy sinh của anh bộ đội cụ Hồ, tình mẫu tử vẫn còn đọng mãi và lan tỏa theo thời gian.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An cho rằng, câu chuyện của Thiếu tướng Lưu Xuân Cải đã đưa cô trò về lịch sử dân tộc, dòng sông Thạch Hãn, cuộc chiến 81 ngày đêm với niềm tự hào, biết ơn vô tận. Đây là giờ học lịch sử hiện thực, ý nghĩa và giá trị nhất với cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Tự hào về lực lượng vũ trang

Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của các Lực lượng vũ trang Nhân dân thành phố Hải Phòng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên trong học tập, sáng 24/4, Trường THPT Kiến Thụy. (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã tổ chức thành công chuyên đề cấp thành phố môn Giáo dục địa phương.

Chuyên đề thể hiện rõ những đổi mới tích cực trong dạy học môn Giáo dục địa phương với kiến thức tích hợp, liên môn góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học trò.

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT chúc mừng Trường THPT Kiến Thụy tổ chức thành công chuyên đề.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT chúc mừng Trường THPT Kiến Thụy tổ chức thành công chuyên đề.

Sau các tiết học lý thuyết của chủ đề “Truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hải Phòng” trong nội dung Giáo dục địa phương. Để gắn nội dung kiến thức đã học vào thực tế, các em học sinh khối 12 được giao nhiệm vụ làm dự án gắn với nội dung chủ đề bài học. Quá trình thực hiện dự án, học sinh khối 12 của Trường THPT Kiến Thụy đã có những hành trình trải nghiệm thực tế đến thăm các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố như: Bảo tàng Hải Phòng, Phòng truyền thống công an thành phố… gặp gỡ các nhân vật tiêu biểu của Lực lượng vũ trang Nhân dân thành phố Hải Phòng, để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Sản phẩm của các em đã thể hiện sức sáng tạo, tinh thần làm việc tập thể, phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện. Bằng mô hình trực quan cụ thể, hình ảnh, video, sân khấu hóa… các em đã tích cực ứng dụng công nghệ số AI, sáng tạo trong cách dẫn dắt, trình bày để thể hiện bài thu hoạch của mình.

 Nhóm 2 mang tên Lá chắn thép, các em tìm hiểu về Lịch sử lực lượng Công an Hải Phòng.

Nhóm 2 mang tên Lá chắn thép, các em tìm hiểu về Lịch sử lực lượng Công an Hải Phòng.

Tại chuyên đề, 3 nhóm đại diện học sinh khối 12 báo cáo dự án đã thực hiện qua các hoạt cảnh sân khấu hấp dẫn, màn múa hát, câu chuyện kể đầy xúc động.

Cụ thể, nhóm 1 với tên gọi Sáng mãi Cát Bi. Các em tìm hiểu về Lịch sử lực lượng quân sự Hải Phòng. Nhóm 2 mang tên Lá chắn thép, các em tìm hiểu về Lịch sử lực lượng Công an Hải Phòng. Nhóm 3 có tên Kiến Thụy anh hùng, tìm hiểu về Lịch sử lực lượng dân quân tự vệ Hải Phòng.

Ông Đào Thế Anh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, qua chuyên đề, học sinh được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, các em có tâm thế sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các công việc phục vụ cộng đồng; có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong học tập, lao động.

 Học trò tái hiện lịch sử qua các hoạt cảnh.

Học trò tái hiện lịch sử qua các hoạt cảnh.

Em Bùi Hà Linh, lớp 12A11 bày tỏ, em rất phấn khởi khi được tham gia chuyên đề hôm nay. Là thành viên trong nhóm, em tích cực tìm hiểu nội dung được giao để thêm kiến thức về Lực lượng Công an thành phố. Em cũng rất ấn tượng với phần biểu diễn, trình bày của các nhóm. Các sự kiện lịch sử được tái hiện qua hoạt cảnh sân khấu, em học được thêm nhiều điều hay, nhiều kiến thức bổ ích. Thực sự, qua đây em mới hiểu thêm về Lực lượng vũ trang Nhân dân của thành phố, địa phương với những truyền thống anh hùng. Không chỉ có thêm tri thức mà em và các bạn còn được bồi dưỡng, vun đắp tình yêu , lòng tự hào về đất và người Hải Phòng.

 Qua chuyên đề, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Qua chuyên đề, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Cô Bùi Thị Dung, giáo viên Ngữ văn cho hay, qua chuyên đề, học sinh không chỉ hiểu về lịch sử hình thành, phát triển, vai trò của Lực lượng vũ trang Nhân dân thành phố mà còn được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là dịp để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong tháng 4 lịch sử với các sự kiện trọng đại của đất nước, thành phố.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, nhằm hướng về dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước và thành phố, ngành Giáo dục đã có công văn gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Trong đó, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị giáo dục tổ chức các hoạt động: Tham gia tặng quà tới Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; Tăng cường giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với lứa tuổi nhằm nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, đặc biệt sự kiện 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng; Căn cứ điều kiện thực tế, các đơn vị tổ chức mít tinh, triển lãm, gặp mặt, giao lưu, tọa đàm về các chủ đề liên quan.

Bài và Ảnh: Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-tro-dat-cang-tu-hao-viet-tiep-lich-su-ve-vang-cua-dan-toc-post728501.html