'Thầy thuốc' quân hàm xanh tận tâm ở Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao
Không chỉ làm tốt công tác giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ và quân y Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và nhân dân nước bạn Lào.
Đỡ đẻ lúc nửa đêm
Nhắc đến A Vao, người ta nghĩ ngay tới vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị. Đường xa, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa dễ trở thành "ốc đảo" là một trong những nguyên nhân khiến cơ sở hạ tầng của mảnh đất biên cương này phát triển chậm so với những nơi khác. Trước sự khó khăn của bà con, những năm qua, Đồn Biên phòng A Vao luôn chủ động, phối hợp cùng chính quyền địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Mới đây nhất, vào lúc 1 giờ sáng ngày 13/9/2023, Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao nhận được tin báo của người nhà sản phụ Hồ Thị Lo (sinh năm 2003, trú tại thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đang chuyển dạ sinh non thai nhi 36 tuần tuổi. Nhận được thông tin, Thiếu tá Trần Minh Vũ, nhân viên quân y nhanh chóng đến nhà sản phụ thăm khám. Qua thăm khám, Thiếu tá Vũ nhận thấy đầu thai nhi đã lọt qua cổ tử cung. Trong lúc trời đang mưa rất to và nhà cách xa trạm y tế, nên Thiếu tá Vũ quyết định hỗ trợ sinh tại nhà. Tại đây, sản phụ đã sinh thành công bé gái nặng 2kg. Đến nay, sức khỏe của hai mẹ con đã ổn định.
Thiếu tá Trần Minh Vũ chia sẻ, đây là ca đỡ đẻ thứ 5 của anh và các đồng chí quân y từ khi nhận nhiệm vụ công tác tại Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao. Trước đó, vào ngày 16/2/2023, cán bộ quân y của đơn vị đỡ đẻ thành công cho sản phụ trong tình trạng sức khỏe yếu, đau nặng, tinh thần hoảng loạn, sinh non khi thai mới 34 tuần. Theo đó, lúc 13 giờ 20 phút cùng ngày, sản phụ Hồ Thị Lêm (sinh năm 2003, trú tại thôn Pa Ling) được gia đình đưa đến trạm xá quân dân y trong tình trạng sức khỏe yếu, đau nặng, cổ tử cung đã mở 7cm, tinh thần hoảng loạn. Sau khi được cấp cứu bằng các biện pháp chuyên ngành, động viên tinh thần sản phụ, đến 13 giờ 55 phút, sản phụ Lêm đã sinh cháu gái nặng 2,6kg.
Tương tự, vào chiều 7/11/2022, quân y của đơn vị thực hiện đỡ đẻ thành công cho một sản phụ bị vỡ nước ối. Cụ thể, vào khoảng 12 giờ cùng ngày, chị Hồ Thị Chuôi được gia đình đưa đến Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao trong tình trạng đã vỡ nước ối, sức khỏe yếu, tâm trạng bất an, lo lắng. Sau khi tiếp nhận, quân y của đồn đã nhanh chóng tiến hành sơ cứu, truyền nước, dịch, thuốc trợ tim, bấm tầng sinh môn. Đến khoảng 15 giờ, sản phụ Chuôi hạ sinh thành công cháu trai nặng 3kg bằng biện pháp sinh thường.
“Bệnh viện” ở biên thùy
Tháng 4/2014, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao. Trạm được biên chế 2 y sĩ, dược sĩ, có phòng khám, điều trị nội, ngoại trú. Dẫu rằng, so với nhiều nơi thì trạm có quy mô không lớn, nhưng đối với người dân ở vùng đất xa xôi như A Vao thì đây không khác gì một “bệnh viện thu nhỏ”, còn hơn cả sự mong đợi, nhất là khi các y sĩ luôn sẵn sàng tiếp đón với thái độ thân thiện, chuẩn mực như “mẹ hiền”. Nghề y là nghề đặc biệt, đó là chữa bệnh, cứu người.
Đối với những thầy thuốc quân hàm xanh thì công việc đặc thù hơn các bác sĩ áo trắng thông thường, với đặc thù công tác ở biên giới, hải đảo, nơi cách xa trung tâm y tế, bệnh viện trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, hiểm trở. Cho nên, khi cán bộ, chiến sĩ hay người dân xảy ra đau ốm, bệnh tật, tai nạn thì quân y đơn vị là người đầu tiên xử lý, điều trị cho bệnh nhân. Thực tế, tại địa bàn biên giới, đội ngũ quân y ít nhưng công việc nhiều, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc men không được đầy đủ; bởi vậy, càng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Gần đây nhất, vào 21 giờ 30 phút, ngày 23/4/2023, Thiếu tá Trần Minh Vũ khi đang thực hiện nhiệm vụ tại Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao đã tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc nấm là con của chị Hồ Thị Bê (29 tuổi, ngụ tại thôn Pa Ling) được người nhà cõng đến trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn nhiều, đi ngoài nhiều lần. Hai cháu được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng. Đồng chí Vũ đã kịp thời xử lý bằng gây nôn, tiêm trợ tim và truyền dịch cho 2 cháu. Đến nay, sức khỏe của 2 cháu đã ổn định, đang được chăm sóc tận tình tại trạm.
Mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng các y sĩ ở Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao đã “bù đắp” bằng việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Trong bộn bề thiếu thốn, những thầy thuốc quân hàm xanh vẫn kiên trì, bền bỉ vượt khó để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
Việc làm của cán bộ quân y Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao có ý nghĩa kịp thời, vì nhân dân phục vụ, hạn chế thấp nhất những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Qua đó, Ban chỉ huy đơn vị đã biểu dương đồng chí Vũ, đồng thời, có món quà tinh thần nhằm động viên, khích lệ đồng chí Vũ, cũng như tập thể trạm xá quân dân y tiếp tục cố gắng hơn nữa, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Điều đặc biệt của Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao, đó là các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đây không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và bà con địa phương, mà còn tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại nước bạn Lào phía đối diện. Gần 10 năm qua, các y sĩ ở trạm còn thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho người dân Lào ở bản Ro Ró (Cụm 2, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào).
Thiếu tá Bùi Huy Tịnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao cho biết: "Với những việc làm và hành động thiết thực của đội ngũ thầy thuốc quân hàm xanh của Trạm xá quân dân y kết hợp A Vao đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân trên địa bàn và càng làm ấm thêm tình hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào. Đối với bà con dân bản xã A Vao, hình ảnh người lính Biên phòng ngày càng trở nên thân thiết. Việc chăm sóc, giúp đỡ người dân là một cách tri ân đồng bào, cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị".
Hiện nay, trên tuyến biên giới đất liền của Quảng Trị có 7 phòng khám và 4 trạm xá quân dân y kết hợp. 5 năm qua, lực lượng quân y BĐBP Quảng Trị đã khám, cấp cứu, điều trị cho gần 50.000 lượt người, trong đó, nhân dân nước bạn Lào 4.655 lượt người, ước tính chi phí cấp phát thuốc hơn 3,2 tỉ đồng. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng quân y đã hỗ trợ thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho các địa phương ở khu vực biên giới thuộc nước bạn Lào trị giá hơn 400 triệu đồng.