Thầy giáo dạy nghề có nhiều sáng kiến

Nhiệt huyết, tận tâm và sáng tạo là những nhận xét của đồng nghiệp và học viên về thầy Trần Phú Quý-Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng Nghề 21 (Binh đoàn 15).

Sau khi tốt nghiệp Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), năm 2006, anh Trần Phú Quý về công tác tại Trường Cao đẳng Nghề số 22 (Quân đoàn 4). Năm 2009, anh chuyển về công tác tại Trường Đại học Cao đẳng Nghề 21 cho đến nay. Về môi trường mới, được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, anh đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sáng kiến để áp dụng vào việc giảng dạy.

Anh Quý cho biết: “Hiện nay, học viên có khá nhiều sự lựa chọn khi học nghề. Vì thế, các trường đều phải đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút học viên. Trong đó, tỷ lệ học viên có tay nghề cao, có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp là yếu tố quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng đào tạo của trường. Muốn làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực chung, mỗi giáo viên cần tìm tòi nghiên cứu, có sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học”.

Thầy giáo Trần Phú Quý (bên phải) giới thiệu thiết bị “Hệ thống điều khiển động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ”. Ảnh: T.T

Thầy giáo Trần Phú Quý (bên phải) giới thiệu thiết bị “Hệ thống điều khiển động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ”. Ảnh: T.T

Năm 2022, anh cùng các đồng nghiệp báo cáo sáng kiến “Thiết bị cảnh báo vô lăng ô tô khi đánh hết lái”. Theo đó, trong quá trình đào tạo lái xe ô tô các hạng B1, B2, C, khi học thực hành các bài: tiến lùi chữ chi, qua đường hẹp vuông góc, ghép xe ngang vào nơi đỗ, cũng như các bài thực hành tổng hợp trên sân tập, người học chưa có kỹ năng nhận biết được xe đã đánh hết hành trình vô lăng về hướng bên trái hoặc hết hành trình bên hướng phải.

Trong trường hợp này, nếu vô lăng đã đánh hết hành trình tay lái mà người học không nhả vô lăng (đánh lái chết, giữ lâu) theo hướng ngược lại thì dẫn đến giảm tuổi thọ của một số thiết bị như: van thủy lực trợ lái, động cơ thủy lực, động cơ trợ lái.

Thiết bị được cấu tạo gồm: loa cảnh báo cho biết vô lăng đã đánh hết hành trình cho phép, thiết bị nhận tín hiệu khi vô lăng xe hết hành trình và xuất tín hiệu để người học nhận biết. Bộ điều chỉnh âm lượng tín hiệu cảnh báo phù hợp với người nghe, công tắc, nguồn điện. Khi gắn thiết bị này lên xe sẽ cảnh báo học viên cũng như người dạy biết vô lăng đã đánh lái hết chưa, từ đó điều chỉnh vô lăng phù hợp.

Với niềm đam mê ngành điện, năm 2023, anh Quý tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Hệ thống điều khiển động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ”. Nói về sáng kiến này, anh cho hay: Đây là thiết bị tích hợp để sử dụng giảng dạy 14 bài học chuyên ngành điện. Trước đây, muốn dạy 14 bài học về mạch điện này, giáo viên phải sử dụng nhiều thiết bị. Nhờ hệ thống điều khiển động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ việc dạy học dễ dàng hơn, người học dễ tiếp thu và hình dung rõ tổng quan của các bài học, mối liên hệ trên thực tế.

Thiết bị có cấu tạo gồm: máy bơm nước 1 pha, khởi động từ, thiết bị điều khiển từ xa sử dụng remote, thiết bị điều khiển từ xa sử dụng điện thoại, board mạch hẹn giờ theo thời gian thực, đèn cảnh báo, tủ điện…

“Người dùng có thể sử dụng động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ gồm: công tắc gạt, điều khiển từ xa sử dụng remote, điều khiển từ xa sử dụng điện thoại di động và điều khiển tự động sử dụng bộ hẹn giờ theo thời gian thực. Thiết bị này giúp tiết kiệm thời gian, công sức vận hành và hiệu quả mang lại rất cao”-thầy Quý nói.

Thượng tá Vũ Thanh Thế-Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Nghề 21-nhận xét: Các sáng kiến của thầy Trần Phú Quý được áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là sáng kiến “Hệ thống điều khiển động cơ bơm nước 1 pha theo 4 chế độ”. Thiết bị này áp dụng vào việc tưới nước không chỉ giảm chi phí, công sức mà người dùng có thể sử dụng 4 chế độ, không nhất thiết phải có mặt ở vườn cây.

THIÊN THANH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thay-giao-day-nghe-co-nhieu-sang-kien-post259181.html