Thay bát nhang, có nhất định phải thả xuống sông, hồ?

Theo chuyên gia phong thủy, bát nhang cũ, tro... không nhất thiết phải mang ra sông, hồ để thả như quan niệm. Và hiện ở Hồ Tây (Hà Nội) cũng đã cấm việc này, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.

Ngăn thả bát nhang, tro... xuống Hồ Tây tránh gây ô nhiễm

Cuối năm là thời điểm nhiều gia đình tiến hành thay bát nhang, rút tỉa chân nhang. Theo quan niệm, sau khi thay bát nhang, tro và bát nhang thường được đem đi vứt xuống sông, hồ, suối... để đảm bảo sự sạch sẽ, thanh tịnh.

Trước ngày làm lễ cúng ông Công ông Táo, gia đình anh Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã làm lễ thay bát nhang. Sau khi thay bát nhang, tro từ chân hương, bát nhang cũ… được anh đem ra Hồ Tây để thả.

Chân hương, tro và bát nhang sau khi thay được người dân đem ra Hồ Tây với ý định vứt xuống hồ.

Tuy nhiên, khi anh vừa cầm túi bóng chuẩn bị bước xuống bậc thềm phía dưới hồ, thì bị ngăn lại bởi hai phụ nữ. Sau giới thiệu, hai người đề nghị anh không vứt túi tro và bát hương xuống hồ, mà để lại bên bờ hồ, họ sẽ có trách nhiệm thay anh xử lý giúp, với cam kết sẽ không vứt như đối với rác sinh hoạt, đảm bảo sạch sẽ, không “phạm” vào kiêng kị tâm linh.

Sau khi hỏi kỹ càng, dù còn chút băn khoăn, anh Nam vẫn quyết định để lại bọc túi nilon đựng tro chân nhang và bát hương lại, nhờ hai người phụ nữ xử lý giúp.

Theo ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống, trong ngày 30/1-1/2, bên Hồ Tây, ngoài những người đến thả cá chép, thì có một số người dân đã mang tro, bát hương với ý định vứt xuống hồ. Tuy nhiên, tất cả đều được ngăn lại kịp thời, sau đó đồng ý gom lại bên hồ, nhờ xử lý giúp.

Bà Lê Thị Kim Loan (trái) và bà Hà Thị Điệp, Chi hội Phụ nữ Tổ dân cư số 11, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội gom các túi nilon đựng tro, bát nhang... của người dân định đem vứt xuống Hồ Tây.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Kim Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân cư số 11, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cho hay, theo đúng chủ trương của quận, phường đề ra, nhiều năm nay, chị em phụ nữ trong chi hội đã phân công nhau trực, từ 8h30 sáng đứng ở các điểm cầu, để nhắc nhở đôn đốc bà con, không vứt bát hương, tro… xuống hồ.

Đối với việc thả cá sau khi cúng ông Công ông Táo, cũng chỉ thả cá chứ không vứt túi nilon.

Tất cả bát hương, tro, túi nilon… sẽ được phân loại, thu gom. Sau đó, đến chiều, sẽ có xe của đoàn thanh niên mang đi xử lý. Tro của bát hương sẽ được mang đi, cho vào những chậu trồng hoa. Còn bát hương cũng được xử lý, không vứt như rác sinh hoạt.

“Cho nên, bà con hoàn toàn yên tâm, không nên vứt tro, bát hương… xuống dưới hồ gây ô nhiễm. Hiện nay, như mọi người đã biết, nước Hồ Tây đã bị ô nhiễm nặng nề. Cho nên, mỗi người dân nên có trách nhiệm với mỗi hành động của mình để đảm bảo môi trường trong sạch, để cuộc sống an lành hơn”, bà Kim Loan nói.

Người dân thả cá trong ngày cúng ông Công ông Táo tại Hồ Tây.

Bà Kim Loan cho hay, những năm trước, người dân thả cá xong vứt luôn túi nilon xuống hồ. Các bà, các chị trong chi hội phải lấy sào vớt túi. Nhưng hiện nay, mọi người đã có ý thức hơn rất nhiều. Vào đúng ngày 23 tháng Chạp (ngày cúng ông Công ông Táo), lượng người dân đến hồ quá đông, các bà, các chị không thể nhắc nhở từng người, nhưng đa số đều tự giác vứt túi nilon vào túi gom ở bên hồ, không xả rác bừa bãi nữa.

“Chỉ cá biệt, vẫn có trường hợp không đồng thuận, như năm ngoái, có một nam giới phản ứng lại gay gắt, nói rằng, anh ta vứt ở hồ, chứ không phải nhà của các chị, các chị không có quyền ngăn cản. Cuối cùng, chúng tôi phải gọi công an tới can thiệp”, bà Kim Loan kể.

Cùng ca trực với bà Kim Loan, bà Hà Thị Điệp, 73 tuổi cho biết, các bà, các chị đi làm chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, với mong muốn để cho môi trường sạch đẹp hơn. Những hôm trời lạnh dưới 10 độ, các kíp trực của chi hội phụ nữ cũng vẫn đi làm bình thường.

Không nhất thiết phải thả bát nhang, tro xuống hồ

Trao đổi với PV, chuyên gia phong thủy Thân Văn Sơn cho hay, sau khi chân nhang được hóa thì có thể hiểu cát bụi lại trở về với cát bụi, cho nên, về mặt tâm linh, chỉ tránh vứt vào những nơi không sạch sẽ. Còn mang đi để trồng hoa thì hoàn toàn được.

Đối với việc xử lý thế nào với bát hương cũ, ông Sơn cho biết, theo quan niệm, thường là phải đi thả sông, không làm theo đúng lại băn khoăn, lo lắng, sợ bị trách phạt. Tuy nhiên, việc này hiện gây ô nhiễm môi trường.

Ông Sơn dẫn câu chuyện thực tế, có gia đình do quá nghèo, không đủ bát để ăn, nên đã chỉ dùng bát hương trong 3 ngày Tết, sau đó, ngày bình thường lại mang xuống đựng canh.

Từ đó để thấy, cũng tùy vào hoàn cảnh, chứ không cứ buộc phải vứt xuống hồ, sông, suối… gây ô nhiễm môi trường.

Có điều, vì liên quan đến tâm linh, cho nên, không nên xử lý bát hương sau khi thay, hay tro hương.... vào những nơi, những việc không sạch sẽ, uế tạp, như vứt chung với rác sinh hoạt...

Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/thay-bat-nhang-co-nhat-dinh-phai-tha-xuong-song-ho-1952850.html