Tháo gỡ rào cản cho hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho ngành nông, lâm, thủy sản nước ta chinh phục thị trường lớn EU. Sự chuẩn bị tâm thế, hàng hóa tốt nhất và tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, từng bước tiếp cận nhanh và chắc với thị trường này là điều kiện cấp thiết để doanh nghiệp (DN) trong nước có thể phát huy tốt đa những lợi thế...

Nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức

Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết, đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu, như: Gạo, thủy sản, cà phê, rau quả... Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu và giúp ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng sâu vào nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ tính riêng tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của các DN TP. Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của DN TP vào EU đạt 5 tỷ USD (trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 700 triệu USD) và 6 tháng đầu năm 2020, KNXK đạt 2,3 tỷ USD (nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 300 triệu USD).

 Chế biến hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Chế biến hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn sang EU và là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có được hiệp định thương mại tự do với EU. EU và Việt Nam là hai thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó nước ta chủ yếu xuất khẩu những hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được, như: Thủy sản, cà phê, điều, trái cây nhiệt đới... Khi EVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế thì cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU sẽ càng lớn hơn và sau 7 năm sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% KNXK của nước ta sang thị trường này.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn: "EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020 nhưng hiện DN vẫn chưa tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho phép xuất khẩu vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi. Được biết, EU có quy định cùng một loại sản phẩm nhưng phải chủng loại nào mới được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu. Ở khía cạnh trong nước, DN có quy mô sản xuất nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn, nông hộ còn canh tác nhỏ lẻ, rất khó đáp ứng rào cản kỹ thuật từ thị trường này. Để đáp ứng được, DN, người sản xuất cần phải chuyển đổi sản xuất, canh tác theo hướng hiện đại, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất".

Ông Lý Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng: "Trong bối cảnh các thị trường đều gặp khó vì dịch bệnh thì những ưu đãi về thuế của EU từ EVFTA là động lực rất tốt cho DN trong nước tăng trưởng thời hậu Covid-19".

Hỗ trợ đồng bộ từ các cấp

Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, các chuyên gia kinh tế cho rằng DN cần tổ chức lại sản xuất, liên kết chuỗi để tạo ra hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đầu tư chế biến sâu. Trước hết, nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá nhãn hiệu các mặt hàng thị trường EU đang chấp nhận để tận dụng nhanh những ưu đãi từ EVFTA. Cơ quan quản lý nhà nước cần phổ biến những quy định kỹ thuật, rào cản trong thương mại nông, lâm, thủy sản của thị trường EU đến người dân, DN, ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) khuyến khích DN chủ động nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA để nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập và áp dụng các mô hình đã thành công để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Mặt khác, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, chú trọng vấn đề nâng cao trách nhiệm xã hội, các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên sinh vật biển và thủy sản.

Từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, để cải thiện năng lực xuất khẩu của DN, tiếp cận hiệu quả thị trường EU, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP chia sẻ rằng: TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, đang xây dựng đề án phát triển xuất khẩu theo hướng chuyển sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu nhằm xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, TP sẽ hình thành các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chất lượng hàng hóa xuất khẩu lên cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định.

Tại Hội nghị “Hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Để Hiệp định EVFTA sớm đi vào thực tiễn cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung quyết liệt là luật hóa và ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể để hiệp định đi vào hiệu lực ngay. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kết hợp thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam-EU, bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, cũng như các thủ tục hải quan thông quan, logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử… bảo đảm cho DN khai thác lợi thế, tăng trưởng nhanh ở thị trường EU.

HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-rao-can-cho-hang-nong-lam-thuy-san-vao-thi-truong-eu-627187