Tháo gỡ khó khăn trong khai thác đất làm vật liệu san lấp

Ngày 17/8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024, bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp (VLSL). Quyết định này tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, trong đó có tài nguyên đất làm VLSL. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng khan hiếm đất đắp tại các công trình xây dựng. Trước thực tế này, Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đang khẩn trương trình UBND tỉnh để triển khai các trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (KTKS) đất làm VLSL theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

Dự án đường kết nối từ quốc lộ 6 vào khu công nghiệp Nhuận Trạch (Lương Sơn) đang thi công nền đường nhưng gặp khó khăn do thiếu đất đắp công trình. Nhiều công trình trọng điểm thiếu đất đắp Công trình dự án kết nối đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) đang bước vào giai đoạn thi công san gạt, đắp mặt bằng. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) - đơn vị chủ đầu tư, dự án hiện gặp vướng mắc trong việc xác định nguồn vật liệu đắp cho công trình. Nguyên nhân do hiện nay, trên địa bàn TP Hòa Bình chưa có vị trí mỏ được cấp phép khai thác đất đắp. Trong quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn thiết kế đã dự kiến vị trí khai thác đất đắp tại km 73+800 thuộc địa phận phường Quỳnh Lâm. Đến thời điểm này, khu đất trên thuộc quản lý của các cá nhân, tập thể, ngoài ra, để khai thác khu đất này phải chi phí đền bù về hoa màu, tài sản trên đất. Theo đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT, để tháo gỡ vướng mắc, Sở đã tính đến nhiều phương án để đảm bảo có nguồn vật liệu đất đắp cho công trình. Dự án cải tạo đường tỉnh 436, đoạn km0 + km7 thuộc địa phận huyện Tân Lạc cũng trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo, dự án đường tỉnh 436 được bố trí vị trí khai thác đất đắp cách công trường 5 km, ngoài phạm vi công trình. Tuy nhiên, vị trí này vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt mỏ đất để khai thác. Một dự án giao thông trọng điểm khác gặp khó do khan hiếm đất đắp công trình là dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai. Theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mỏ đất được quy hoạch tại huyện Lương Sơn được bố trí tại xóm Cao, xã Cao Sơn, cách công trình dự án khoảng 18 km, hiện chưa có giấy phép khai thác. Để có đất đắp đảm bảo tiến độ dự án, UBND huyện Lương Sơn đã ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND, ngày 31/1/2023 về việc chấp thuận cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để lấy đất thi công dự án; phối hợp các bên liên quan hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền cấp phép để khai thác. Ngoài ra, dự án quốc lộ 6 đi khu công nghiệp Nhuận Trạch (Lương Sơn) cũng khan hiếm đất san lấp. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn cho biết: Dự án có tổng chiều dài 2,5 km hiện đang thi công nền đường và các hạng mục cầu cống, công trình có nhu cầu khoảng hơn 20 vạn m3 đất san lấp nhưng vẫn chưa xác định được nguồn cung. Không chỉ các công trình giao thông trọng điểm, trên địa bàn tỉnh nhiều công trình xây dựng cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm đất đắp, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ dự án. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đấu giá cấp phép quyền khai thác khoáng sản đất Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đào Anh Thép, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: Theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND, ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh, tỉnh đã bổ sung quy hoạch 23 vị trí điểm mỏ đất làm VLSL với diện tích quy hoạch 550,33 ha, trữ lượng khai thác dự kiến khoảng 150,55 triệu m3. Sở TN&MT đã tiếp nhận đơn đề nghị của 15 đơn vị cấp phép KTKS đất san lấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổng diện tích đề nghị cấp phép 268,32 ha, với 12 điểm mỏ tại các huyện: Lạc Thủy (1 điểm mỏ), Lương Sơn (1 điểm), Yên Thủy (3 điểm), Lạc Sơn (3 điểm), TP Hòa Bình (3 điểm). Sau khi rà soát, có 22 điểm mỏ với diện tích 518,97 ha, trữ lượng khai thác dự kiến 143,99 triệu m3 đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nằm trong khu vực phải đấu giá quyền KTKS theo khoản 1, Điều 78, Luật Khoáng sản năm 2010, còn lại 1 điểm tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy thuộc khu vực không đấu giá quyền KTKS. Hiện nay, Sở TN&MT đã báo cáo trình UBND tỉnh về việc đồng ý chủ trương đấu giá quyền KTKS đất làm VLSL đối với các vị trí đảm bảo tiêu chí khu vực đấu giá đất. Sau khi có văn bản của UBND tỉnh, Sở TN&MT phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đấu giá và triển khai các trình tự, thủ tục để thực hiện đấu giá quyền KTKS, cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các khu vực đề nghị cấp phép đất làm VLSL. Sở TN&MT cũng đã chủ động phối hợp các ngành, địa phương thực hiện các thủ tục để chuyển đất dôi dư phát sinh từ các công trình cải tạo, san gạt mặt bằng trên địa bàn tỉnh cung cấp cho các công trình cần đất đắp. "Trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh giao, Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp để triển khai thực hiện các thủ tục theo đúng quy định và sớm nhất việc đấu giá cấp phép quyền KTKS đất làm VLSL, phục vụ nhu cầu đất đắp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh" - đồng chí Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết thêm. Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/175261/thao-go-kho-khan-tr111ng-khai-thac-dat-lam-vat-lieu-san-lap.htm