Tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống cho ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề, nghề truyền thống tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập cần được triển khai tháo gỡ.

Nghề truyền thống làm nón lá làng Chuông, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội cho biết, tính đến nay, Hà Nội có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Trong đó, có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai, 20 làng nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 24 làng làm nghề chế biến lâm sản...

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí.

Từ đây, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Dù vậy, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững. Đi cùng với đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư và cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, trong đó, giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ. Mặt bằng sản xuất chật hẹp; nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nên sức cạnh tranh kém, thiếu các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm. Phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm.

Trên cơ sở xác định các khó khăn, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, theo Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, chú trọng đến việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của thành phố về vai trò, ý nghĩa của sự phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động. Thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề.

Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi,…

Đáng chú ý, để tạo thuận lợi hơn cho phát triển nghề, làng nghề truyền thống, cần quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng của các làng nghề, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch như: xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu sản xuất tập trung, có đủ điều kiện để làm điểm du lịch cho khách tham quan đến làng nghề.

Cùng với các giải pháp trên, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài để tạo điều kiện cho phát triển của các nghề, làng nghề truyền thống khu vực nông thôn./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-cho-cac-lang-nghe-truyen-thong-tren-dia-ban-ha-noi-568676.html