Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Thành công từ ngoại giao vaccine

Đến thời điểm tháng 6-2023 này, có thể khẳng định Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt, công tác ngoại giao vaccine đã có sự đóng góp tích cực vào thành công của chiến lược vaccine (gồm 3 thành tố là quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng) để kiểm soát dịch Covid-19, chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy, mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả.

Trong bối cảnh mới bùng phát căng thẳng về dịch Covid-19, nguồn cung vaccine khan hiếm cả về lượng và chất, nhiều nước dù có tiền cũng không mua được vaccine. Bất bình đẳng trong phân phối vaccine trở thành trọng tâm tại kỳ họp của Liên hợp quốc tháng 9-2021. Thời gian đầu, Việt Nam phải tập trung vào biện pháp cách ly nghiêm ngặt vì chưa thể nhập khẩu và chưa tự sản xuất được vaccine. Cùng với sự lan rộng của dịch Covid-19 và gây đe dọa đến tính mạng của người dân, việc tìm kiếm vaccine trở thành khâu quyết định trong cuộc chiến với dịch bệnh, là điều kiện tiên quyết để chuyển hướng chiến lược kịp thời từ phòng, chống dịch bằng các biện pháp hành chính, sang bằng các biện pháp chuyên môn, khoa học, bảo đảm thành công việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Đảng và Nhà nước huy động mọi nguồn lực vĩ mô và vi mô, Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành, cùng với đó quyết liệt chỉ đạo ngành ngoại giao khai thác các kênh tiếp cận vaccine. Vaccine đã trở thành một nội dung quan trọng trong nhiều cuộc điện đàm, tiếp xúc ngoại giao quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 13-8-2021, Việt Nam thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng, nhằm 3 mục tiêu chính là đôn đốc triển khai giao vaccine đúng hạn; vận động viện trợ vaccine từ các đối tác song phương và những tổ chức quốc tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Bộ Y tế cũng khuyến khích các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tìm mua vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân.

Theo Bộ Y tế, phải mất gần một năm rưỡi kể từ khi công bố dịch Covid-19, đến tháng 5-2021, Việt Nam mới nhận được lô vaccine đầu tiên từ cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra (trên thực tế, năm 2021, COVAX chỉ có thể cung cấp vaccine Covid-19 cho không quá 20% dân số ở các nước nghèo, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng). Đến tháng 10-2021, Việt Nam đã có khoảng 97,5 triệu liều vaccine.

Hết tháng 6-2022, Việt Nam đã tiếp nhận 206 triệu liều vaccine Covid-19; trong đó, viện trợ từ cơ chế COVAX và các quốc gia qua cơ chế COVAX là hơn 51 triệu liều.

Tính đến ngày 27-12-2021, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và đứng thứ 52 trong 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho ít nhất 70% dân số tại thời điểm đó.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân. Ảnh:TTXVN

Tính đến ngày 31-5-2023, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 266.416.100 liều, trong đó tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 18.702.478 liều, tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 23.965.543 liều và tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.748.079 liều. Như vậy, Việt Nam đã tiêm trung bình hơn 2,6 liều vaccine trên mỗi đầu dân và trở thành một trong những quốc gia bao phủ vaccine cao nhất thế giới, biểu tượng hàng đầu của các nước đang phát triển về thực hiện thành công chiến lược vaccine. Việt Nam từ một nước chậm chân, trở thành một nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn kế hoạch.

Thành công của hoạt động ngoại giao vaccine có được trước hết nhờ Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế. Sự ủng hộ này là kết quả lâu dài, trái ngọt của việc Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ngoại giao vaccine thành công còn nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, quyết đoán, trách nhiệm, với tinh thần có vaccine bằng mọi cách, mọi biện pháp (mua, vay, mượn, ứng trước...), tiếp cận nguồn vaccine không phân biệt châu lục, địa bàn, chế độ chính trị. Đồng thời, chúng ta cũng thể hiện trách nhiệm, sự chân thành với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao y tế, hỗ trợ các nước về kinh phí, trang thiết bị y tế, như tặng Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế trị giá hơn 7 tỷ đồng/nước; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, hỗ trợ Myanmar 50.000USD; tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế trị giá 600.000USD; tặng vật tư y tế cho các nước Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, với tổng trị giá 420.000USD; đóng góp 100.000USD vào Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; 5 triệu USD vào Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN. Ngay cả Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mexico, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Thụy Điển... cũng nhận được giúp đỡ của Việt Nam. Những hoạt động ngoại giao này của Việt Nam đã khẳng định mối quan hệ đối tác khăng khít, là thông điệp về sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, được quốc tế đánh giá cao và từ đó sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ khi Việt Nam cần.

Ngoại giao vaccine được thực hiện thành công là nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực đầy trách nhiệm, tận tụy và tâm huyết của các đại sứ, trưởng đại diện, nhân viên các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc với sứ mệnh đem nguồn vaccine quý giá, các loại thuốc, trang thiết bị y tế, thông tin, kinh nghiệm quốc tế để chuyển về nước. Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước nước ta đã trực tiếp gọi điện, gửi thư cho lãnh đạo 22 nước và 10 tổ chức quốc tế, gặp mặt Đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trực tiếp công du tới châu Âu, Cuba, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ nhằm ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, vận động tài trợ, chuyển giao vaccine dôi dư và đôn đốc hoàn thành thỏa thuận chuyển giao vaccine theo hợp đồng đã ký kết...

Đằng sau sự thành công của ngoại giao vaccine nói riêng và chiến lược vaccine nói chung là thông điệp và bài học về sự nỗ lực vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân cần dựa trên sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp; sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp, cách làm phải linh hoạt và xuất phát từ tình hình thực tiễn; sự kết hợp hài hòa giữa vận động cấp cao với công tác tham mưu, tư vấn, vận động, thúc đẩy quan hệ của các cơ quan và cán bộ đại diện ngoại giao các cấp.

Ngoại giao vaccine là một phần trong ngoại giao y tế, chính trị, kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã khiến ngoại giao y tế, nhất là ngoại giao vaccine, từ viện trợ nhân đạo đến mua bán, trao đổi vật tư y tế thiết yếu trở nên cấp thiết (năm 2021, quy mô thị trường vaccine Covid-19 toàn cầu đạt khoảng 75 tỷ USD), giúp trực tiếp giải quyết các thách thức về y tế, đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vì cuộc sống và sức khỏe cho người dân, cũng như giúp gia tăng vị thế và ảnh hưởng của một quốc gia.

Sự thành công của ngoại giao vaccine không chỉ góp phần củng cố quyền lực mềm, khẳng định hình ảnh quốc gia và vai trò tiên phong của đối ngoại mà còn bổ sung những kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong vận động ngoại giao và thực hiện ngoại giao kinh tế, ngoại giao xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn hiện nay.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/thanh-qua-nua-nhiem-ky-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-thanh-cong-tu-ngoai-giao-vaccine-732417