Thành phố Hồ Chí Minh: Loạt biệt thự, nhà hàng xây dựng không phép ở 'khu nhà giàu' Thảo Điền

Hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch… tại phường Thảo Điền.

Mới đây, Kết luận Thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2021-2022 tại UBND phường Thảo Điền của Thành phố Thủ Đức đã chỉ ra nhiều sai phạm. Theo đó, qua kiểm tra hiện trạng 8/10/2023 công trình xây dựng không phép, Đoàn thanh tra phát hiện nhiều công trình có diện tích lớn. Trong đó, 3 công trình đã có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng chưa tháo dỡ, tổng diện tích vi phạm hơn 400m2.

Đáng chú ý, Kết luận Thanh tra nêu, tại công trình nhà hàng Quê Nhà, đường Nguyễn Văn Hưởng, đoàn phát hiện công trình có 310 m2, kết cấu tường gạch, cột sắt, xà gồ, mái tôn + ngói xây không phép.

Qua kiểm tra hồ sơ, công trình này được xây dựng vào thời điểm tháng 12/2022, hiện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công trình cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng chưa thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình. Cũng tại khu đất này, Đoàn kiểm tra phát hiện có phát sinh thêm 3 công trình xây không phép có diện tích lần lượt là khoảng 200 m2, 90 m2 và 60 m2. Hiện các công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. UBND phường Thảo Điền chưa lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Công trình này đã đưa vào sử dụng và vẫn chưa lập hồ sơ xử lý, tháng 5/2022 UBND phường Thảo Điền đã có báo cáo về vướng mắc trong lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Cách đó không xa, một dự án lớn đã được báo chí phản ánh từng bị xử phạt năm 2017 vì vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn là Thảo Điền Saphire (nay là Holm Residences, số 145 Nguyễn Văn Hưởng) do Công ty Cổ phần TDS làm chủ đầu tư.

Chủ đầu tư Holm Residences đã xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích vi phạm lên đến 1.396,64m2.

Ngoài ra, theo ghi nhận thực tế của Phóng viên, ở phường Thảo Điền có rất nhiều biệt thự có vị trí đắc địa được xây dựng sát mép sông Sài Gòn.

Nhiều vị trí được các chủ đầu tư tận dụng làm hồ bơi, sân chơi thể thao và nhiều công trình phụ sát bờ sông.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 9/6/2004 và sau đó được điều chỉnh bằng Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017.

Trên cơ sở phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và các tuyến hàng hải, đối với loại sông, suối, kênh rạch ở cấp độ đặc biệt, cấp I, cấp II thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ (tính từ mép bờ cao vào phía bờ) mỗi bên phải 50m.

Mọi hành vi lấn chiến, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn đều bị nghiêm cấm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố. Theo đó, ông Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm xây dựng trên địa bàn. Thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng gắn với việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được duyệt, độ an toàn công trình trước và trong suốt quá trình thi công theo quy định pháp luật. Đồng thời, có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện công trình vi phạm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động trong thi công xây dựng. Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, sau khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và xử lý nếu phát sinh vi phạm. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến các trường hợp vi phạm không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Đồng thời, ông Bùi Xuân Cường cũng chỉ đạo các cơ quan nêu trên phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng; giám sát việc quản lý, xử lý đối với các trường hợp xây dựng chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ thành căn hộ cho thuê, chia nhỏ nhà ở riêng lẻ thành nhiều căn để bán hoặc cho thuê. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khi phát sinh vi phạm. Đáng chú ý, các cơ quan được giao phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, giám sát các công trình xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát, thống kê các quyết định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng còn tồn đọng theo quy định pháp luật và thẩm quyền được phân công tại Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND Thành phố; UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức phá dỡ công trình vi phạm theo quy định pháp luật.

Viết Dũng – Quang Hải

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-loat-biet-thu-nha-hang-xay-dung-khong-phep-o-khu-nha-giau-thao-dien-365566.html