Thanh Liêm phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, các địa phương của huyện Thanh Liêm đã chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng, Theo đó, hệ thống thủy lợi, đường nội đồng được đầu tư xây dựng, nâng cấp; tạo thuận lợi trong việc đưa khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào ruộng đồng, giúp nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả trên diện tích canh tác ở các địa phương.

Với hạ tầng sản xuất, hệ thống thủy lợi đóng vai trò quan trọng. Trên địa bàn huyện Thanh Liêm có tổng số gần 110 trạm bơm nội đồng do các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) quản lý; hơn 480 km kênh mương loại III (gồm cả kênh trục chính và kênh thủy nông mặt ruộng).

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kênh mương, trạm bơm đều được các HTX dành kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước để sửa chữa, nạo vét. Đồng thời, các địa phương đã thực hiện kiên cố hóa được 100 km kênh mương, tập trung vào kênh trục chính, kênh dẫn trạm bơm, chiếm khoảng 20% tổng chiều dài kênh mương của huyện. Một số địa phương có các dự án giao thông, khu đô thị, công nghiệp đã đầu tư quy hoạch, nâng cấp lại hệ thống kênh mương phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ tính riêng đợt làm thủy lợi đông xuân 2023 – 2024 toàn huyện đã nạo vét kênh mương với khối lượng hơn 151 nghìn m3 đất, vượt gần 30% kế hoạch.

Như HTXDVNN Thanh Hà, có 18 km kênh mương phục vụ 400 ha đất canh tác. Trong đó 4 km kênh tưới chính của 8 trạm bơm điện của HTX được kiên cố hóa. Hằng năm HTX đầu tư gần 200 triệu đồng từ nguồn thủy lợi phí cấp bù của Nhà nước phục vụ công tác nạo vét, sửa chữa kênh mương, trạm bơm, cống, đập.

Ông Lại Trung Tâm, Giám đốc HTXDVNN Thanh Hà cho biết: Địa phương nằm ở cuối nguồn tưới và tiêu của hệ thống thủy lợi Nhà nước. Do vậy, việc nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương, trạm bơm luôn được quan tâm đầu tư. HTX thường xuyên kiểm tra, tính toán để nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi phát huy tốt nhất hiệu quả.

Kênh mương nội đồng tại xã Liêm Phong được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Ảnh: Thành Nam

Các trạm bơm nội đồng cũng được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng sửa chữa, xây mới để đáp ứng nhu cầu phục vụ. Gần nhất, trong năm 2023, huyện Thanh Liêm đã đầu tư xây dựng mới trạm bơm Bãi Bồ, khu vực Tây Hải, xã Thanh Hải và tuyến kênh dẫn trạm bơm có tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Từ khi có trạm bơm mới, việc tưới, tiêu phục vụ cho diện tích sản xuất trong vùng được bảo đảm, rút ngắn thời gian lên đến hơn 10 lần so với trước. Được biết, khi chưa xây dựng trạm bơm mới, tại vùng Tây Đáy của xã Thanh Hải gặp nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu nước tưới hoặc ngập úng dẫn đến sản xuất không hiệu quả.

Cùng với thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được các địa phương trong huyện đầu tư đồng bộ. Trong đó, bờ vùng trên các cánh đồng được đào đắp, mở rộng song song với quá trình quy hoạch, bố trí lại đồng ruộng, đều có bề mặt từ 3m trở lên. Đường trục chính ra đồng được cứng hóa, nhiều địa phương đã bê tông hóa một số tuyến. Hiện nay, đường ra đồng trên địa bàn huyện đều được kết nối với các tuyến giao thông trong vùng.

Tại HTXDVNN Võ Giang (Thanh Thủy), khâu kiến thiết đồng ruộng được thực hiện khá bài bàn. Tất cả các tuyến đường nội đồng đều được đào đắp, mở rộng. HTX huy động đóng góp của người dân theo đầu sào và từ nguồn xã hội hóa xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khai thác chế biến đá trên địa bàn. Do vậy, HTXDVNN Võ Giang cơ bản cứng hóa đường nội đồng.

Theo ông Lê Hữu Vinh, Giám đốc HTXDVNN Võ Giang, đường ra đồng được mở rộng, cứng hóa tạo thuận lợi cho quá trình phát triển sản xuất. Địa phương đang thực hiện đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu do hạ tầng thủy lợi, giao thông được bảo đảm.

Từ việc đầu tư phát triển tốt hạ tầng, sản xuất trên đồng ruộng của huyện có sự thay đổi đáng kể. Huyện Thanh Liêm là địa phương có cốt đất trũng, cao thấp không đều, hiện đã cơ bản xóa bỏ được tình trạng này. Những năm gần đây không còn tình trạng hạn hán, hay ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất mùa vụ trên địa bàn. Một số vùng trước đây chuyên cấy lúa hiện đã được chuyển sang trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Với cây lúa có sự chuyển biến mạnh mẽ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất. Trong đó, khâu làm đất, thu hoạch bằng máy đạt 100% diện tích. Huyện đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào khâu gieo cấy, với gần 50% diện tích được cấy bằng máy. Ngay việc vận chuyển vật tư phân bón, sản phẩm cũng được xe vận chuyển đến đầu bờ ruộng do đường nội đồng đi lại thuận tiện.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm đánh giá: Hạ tầng sản xuất trên đồng ruộng của huyện cơ bản được đầu tư đồng bộ. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển cả trong áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa và tổ chức liên kết sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, xây dựng những vùng sản xuất tập trung đang được đẩy mạnh triển khai hướng đến nâng cao giá trị và hiệu quả trên diện tích canh tác.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/thanh-liem-phat-trien-ha-tang-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-117552.html