Thanh Hóa: Phủ Na vắng khách sau chính hội

Sau những ngày chính hội đón hàng vạn lượt du khách về dự lễ, năm nay, mặc dù lễ hội còn kéo dài đến hết tháng Giêng, nhưng do thời tiết mưa dầm kéo dài, lượng du khách đến lễ hội Phủ Na đã thưa thớt, không còn cảnh người người 'chen vai thích cánh' du xuân, trảy hội.

Cổng Tam quan bề thế mới được xây dựng.

Là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, nơi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian, trong đó, ngoài đền thờ Bà Triệu được suy tôn là “Lệ Hải Bà Vương”, Quần thể di tích danh thắng Phủ Na còn có đền thờ Cô Ba, đền Đức Ông, đền Mẫu thờ bà Chúa Thượng Ngàn và đền Cô Chín.

Hòa trong xu thế phát triển mạnh mẽ của du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, vài năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn huy động khác nhau, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, Quần thể di tích danh thắng Phủ Na đã và đang được đầu tư, nâng cấp ngày càng khang trang. Trong đó, nổi bật là cổng tam quan đồ sộ, hoành tráng trên đường vào khu trung tâm đang được hoàn thiện. Bên trong là khu đền Đức ông với ba tòa điện trang nghiêm, bề thế, nơi thờ các Đức ông Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ Tam…

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu check in trong di tích.

Cùng với các công trình thờ tự còn có khu vực cho du khách check in ghi lại kỷ niệm ngày xuân. Để tạo thuận lợi cho du khách, các con đường dẫn vào khu gửi xe, lối đi trong khu di tích, từ cổng Tam quan cho đến đường vào đền Cô Chín, nơi có giếng nước tiên du khách thường “xin” để cầu may, cầu lộc. Tất cả đều được trải bê tông, các lối đi được trang trí cờ, hoa đẹp mắt và có thùng đựng rác thải, ghế đá cho du khách nghỉ chân trên đường tản bộ.

Nước uống miễn phí đặt trước đền Cô Chín và khung cảnh đền Cô Chín.

Sự đổi thay mạnh mẽ trên đã tạo thêm sức hấp dẫn cho Lễ hội Phủ Na (thường được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch và dịp Tết Nguyên đán hàng năm). Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực đó, khu di tích, du lịch tâm linh này vẫn còn một số tồn tại về vệ sinh môi trường và những vấn đề xung quanh việc thu tiền thuê mặt bằng, giao địa điểm bán, diện tích quầy hàng của người nhận thầu với các hộ bán hàng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây.

Có mặt tại Phủ Na vào sáng ngày 18 tháng giêng Âm lịch, trong tiết trời mưa phùn ẩm ướt, theo ghi nhận của PV, lượng người du xuân tới đây khá thưa thớt, bãi để ôtô trở nên rộng rãi, chỉ có khoảng vài chục chiếc. Những quầy hàng ăn, uống, bàn viết sớ, rút thẻ vắng teo. Dọc các lối đi nhỏ, dưới màn mưa mờ mịt, những người bán sản vật địa phương vẫn kiên nhẫn đội mưa, ngồi đợi khách.

Cảnh lễ bái, hầu đồng trong các khu đền thờ.

Khác với cảnh vắng lặng bên ngoài, trong các khu đền, điểm thờ tự, hoạt động tín ngưỡng vẫn diễn ra nhộn nhịp. Tiếng đàn, hát, trống phách vang lên trong khu Tam tòa đền Đức Ông, nơi đang diễn ra màn hầu đồng, lẫn trong những âm thanh của âm nhạc là tiếng xì xầm khấn vái thành kính của rất đông du khách. Náo nhiệt không kém khu đền Đức Ông, tại đền Mẫu, đền Cô chín, Cô Ba, hoạt động cúng bái, cầu xin tài, lộc cũng đang diễn ra. Trong tiếng khấn rất “bài bản” của người “cúng thuê”, hàng loạt người hướng lên mâm lễ vật cao ngồn ngộn bầy trên điện thờ nghi ngút khói hương, xì xụp khấn vái. Du khách đến đây thường đi từng đoàn hoặc gia đình. Để sự thành tâm của mình đến được với các đấng thần linh, họ thường ủy nhiệm việc cầu cúng cho những người “cúng thuê” chuyên nghiệp tại đây.

Rời các điểm thờ tự, PV tiếp tục dạo một vòng quanh khu di tích, ngoài con đường chính từ cổng Tam quan đến đền Cô Chín và các khu đền được quét dọn sạch sẽ, phong quang, lác đác đây đó trong khu di tích, nhất là khu vực bãi để xe và trong các khu đất trống khuất nẻo, vẫn còn nhiều rác thải sinh hoạt như bao túi nilon, vỏ đồ uống, đồ ăn thừa vứt ngổn ngang. Dưới chân cầu trên đường vào khu đền chính, dòng suối nhỏ đầy rác thải, lá và cành cây rụng, lâu ngày không được nạo vét khiến màu nước vốn trong xanh nay ngả sang xám xịt.

Rác thải ngập dưới dòng suối nơi chân cầu dẫn vào khu trung tâm của di tích.

Tại một quán ăn, người bán hàng là dân sở tại trao đổi với PV, bà bày tỏ bức xúc về việc UBND xã đồng ý để chủ thầu thu tiền mặt bằng kinh doanh quá cao một cách “không minh bạch”. Bà cho biết, ban đầu xã và nhà thầu thông báo một mức giá khác, nhưng vào ngày 28 Tết, họ lại đưa ra mức thuê mặt bằng cao hơn mức cũ. Không những thế, diện tích mặt bằng cũng bị thu hẹp lại, từ 5m chiều ngang ban đầu xuống còn 4m. Sự không thống nhất này đã đẩy các hộ kinh doanh vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội” bởi họ đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng và dựng lều kinh doanh, không thể bỏ cuộc giữa chừng?

Rác thải vương vãi khu vực bãi để xe ôtô.

Trao đổi với chính quyền địa phương về sự thắc mắc của người kinh doanh cùng những tồn tại về vệ sinh, môi trường trong khu di tích, PV được ông Trương Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết, tình trạng rác thải chưa được thu gom triệt để là có thật, nhất là trong những ngày cao điểm khi du khách về đông, di tích trở nên quá tải, lượng rác thải nhiều khiến nhân viên vệ sinh thu dọn không kịp, mặc dù trong những ngày chính hội, Ban Quản lý lễ hội đã phải bổ sung thêm tới 70 nhân công thu dọn vệ sinh, rác thải (bình thường chỉ 10 người). Rác thải được gom lại, một phần đốt tại chỗ, một phần được công ty môi trường đem đi xử lý.

Về vấn đề cho thuê mặt bằng kinh doanh, ông Cảnh cho biết, xã đã hợp đồng giao khoán (trong thời hạn 5 năm) khu vực bãi xe và kinh doanh dịch vụ ăn uống (bên ngoài khu vực đền) cho một hộ nhận thầu. Việc nhà thầu cho các hộ thuê lại là giao dịch dân sự giữa hai bên, nhưng mức giá phải phù hợp theo quy định. Về ý kiến thắc mắc của các tiểu thương, xã chưa nắm được nên sẽ cho kiểm tra để chấn chỉnh (nếu có). Cùng với đó, ghi nhận phản ánh của PV, Ban Quản lý lễ hội sẽ tăng cường công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, không để tái diễn tình trạng trên.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-hoa-phu-na-vang-khach-sau-chinh-hoi-348953.html