Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình trồng cây cảnh trên 'cánh đồng bỏ hoang'

Với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh đã tạo điều kiện cho bà con nông dân có nhiều hướng đi mới, giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là mô hình trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đất nông nghiệp bỏ hoang của gia đình anh Lê Thanh Long ở huyện Đông Sơn.

Với xuất phát điểm là một xã thuần nông, trước kia thu nhập của người dân xã Đông Hoàng chủ yếu nhờ vào cây lúa. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đầu tư mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được sự giới thiệu của UBND xã Đông Hoàng, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Thanh Long – chủ trang trại tổng hợp cây cảnh, cây ăn quả tại thôn Thọ Phật.

Anh Lê Thanh Long là người tiên phong trong công cuộc cải tạo đất nông nghiệp kém hiệu quả.

Anh Lê Thanh Long là người tiên phong trong công cuộc cải tạo đất nông nghiệp kém hiệu quả.

Nhìn cánh đồng đào, quất tươi tốt đang thì phát triển ít ai nghĩ rằng nơi đây đã từng là khu đất cằn cỗi và nhiều lần bị bỏ hoang. Anh Long chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, khu vực này là cánh đồng bỏ hoang, nhiều hộ gia đình đã thử sức trồng mía song không thành công. Sau đó, cũng nhờ vào cái duyên, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng cây cảnh chơi Tết. Ban đầu diện tích mô hình là 3ha, sau đó mở rộng thành 5ha như bây giờ.”

Trên 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, mỗi năm gia đình anh Long trồng khoảng 3.000 gốc đào, 1.000 gốc quất, 100 chậu bưởi. Sản phẩm tạo ra chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào dịp Tết Nguyên đán. Giá bán trung bình của các loại cây cảnh này dao động từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/ cây.

Ngoài ra anh Long cũng chủ động ươm giống cây non, đồng thời trồng xen canh cây ăn quả như cam, bưởi Diễn cho năng suất tốt. Sau 4 năm đầu tư và phát triển, đến nay mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả của anh Long đã cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Anh Long cũng khẳng định có được thành công này là do gia đình đã mạnh dạn, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây. Đồng thời, anh cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Mô hình kinh doanh cây cảnh, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho 20 nhân công trong xã.

Mô hình kinh doanh cây cảnh, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho 20 nhân công trong xã.

Đến nay, xã Đông Hoàng đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả. Trong 5 năm (2015 - 2020), xã đã chuyển đổi 65,33 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp khác, cụ thể là: 21,6 ha cây ăn quả; 27 ha trang trại; 3,01 ha cá-lúa, 3 ha ngô – thức ăn chăn nuôi; 5,6 ha cây dược liệu; 2,72 ha rau màu và 2,4 ha hoa – cây ăn quả.

Ông Lê Vũ Chinh, Chủ tịch Hội làm vườn – trang trại, xã Đông Hoàng cho biết: Việc nâng cao giá trị diện tích canh tác nông nghiệp bằng các mô hình kinh doanh mới như trồng cây cảnh, cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho các hộ gia đình trong xã. Điều này cũng mang ý nghĩa to lớn trong việc ổn định kinh tế gia đình; tạo công việc cho các hộ dư thừa lao động và góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội xã Đông Hoàng.

Theo Thiều Trang/Báo Thanh Hóa

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thanh-hoa-lam-giau-tu-mo-hinh-trong-cay-canh-tren-canh-dong-bo-hoang/20200702082816555