Thanh Hóa: Bão yếu đi nhưng mưa kéo dài có thể gây lũ lụt
Trưa ngày 14/10, cơn bão số 7 đã đổ bộ vào bờ biển Thanh Hóa với sức gió cấp 6 – 7 kèm mưa lớn. Trước tình hình thời tiết cực đoan hiện nay, dự báo lượng mưa hoàn lưu sau bão xảy ra trên địa bàn sẽ kéo dài và rất phức tạp.
Được dự báo là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 7, ngay từ chiều ngày 13/10, hơn 7 nghìn tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 11h trưa ngày 14/10, bão số 7 đã đổ bộ vào bờ biển và suy yếu, sức gió chỉ còn duy trì ở cấp 6 - 7, kèm mưa lớn.
Mặc dù chưa gây ra thiệt hại đối với các địa phương trong toàn tỉnh, tuy nhiên chính quyền và người dân, đặc biệt là vùng núi đang hết sức cảnh giác chuẩn bị phương án với lượng mưa hoàn lưu sau bão được dự báo là sẽ kéo dài trên diện rộng có thể gây ra lũ ống, lũ quét.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với bão và không khí lạnh nên từ ngày 14-16/10, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300 mm/đợt, khu vực đồng bằng ven Biển và phía Nam, Tây nam có nơi trên 300 mm; nguy cơ cao xảy ra lốc và gió giật mạnh; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Tại các địa phương ven biển như: TP Sầm Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, TX Nghi Sơn, hàng nghìn tàu thuyền, bè mảng đã được ngư dân tập kết vào khu tránh trú bão hoặc kéo lên bờ, chằng néo cẩn thận. Các khu nuôi trồng thủy sản cũng được người dân tôn thêm bờ ngăn, căng lưới đề phòng nước biển dâng.
Tại huyện miền núi Quan Sơn, hiện có 659 hộ, 2.982 khẩu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại các xã Na Mèo, Tam Thanh, Mường Mìn...
Trước nguy cơ ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, chính quyền huyện Quan Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống tại các vùng có nguy cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, huyện này cũng đang thực hiện việc di dời các hộ dân, chuồng trại, vật nuôi ở những vùng thấp dọc các sông suối, các vách đá núi dễ bị sạt lở đến khu vực an toàn...
Trước đó, vào chiều ngày 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện khẩn số 25/CĐ-UBND yêu cầu các đơn vị liên quan cũng như người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.
Ngành chức năng kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh. Tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu...
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng đối với các đô thị, khu dân cư và sản xuất nông nghiệp; chủ động thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn.
Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa, lũ.
Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày. Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.