Thành công từ những đột phá (bài 4)

Với việc Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho BĐBP và các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP vững mạnh. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng triển khai quán triệt nhanh chóng đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tạo đột phá trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài 4: Đột phá trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia bằng hệ thống pháp luật và chuyển đổi số trong công tác cửa khẩu

Trong 5 năm qua (2020-2025), tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; trong nước xuất hiện những thời cơ và thách thức mới đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, kinh tế-xã hội phát triển ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động, ảnh hướng lớn trước thiên tai, dịch bệnh và nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh... Trên các tuyến biên giới, công tác đàm phán, giải quyết 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc tuyến Việt Nam-Campuchia gặp nhiều khó khăn, trở ngại; một số hoạt động vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới còn tồn đọng, kéo dài; hoạt động của các loại tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, tình hình an ninh nông thôn diễn biến phức tạp tại một số địa bàn, khu vực.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP tỉnh Tây Ninh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Duy Liêm

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP tỉnh Tây Ninh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Duy Liêm

Trước hình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản luật, quy phạm pháp luật, các đề án, thông tư, quy định về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình; kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách về công tác biên phòng, giải quyết hiệu quả các vấn đề xảy ra trên biên giới, vùng biển, không để bị động, bất ngờ. Trao đổi, đề nghị với Bí thư các Tỉnh ủy (Thành ủy) biên giới chỉ đạo các tỉnh và tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân, binh chủng tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị kỹ thuật, phối hợp với BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP cũng quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo đúng quy định của pháp luật và các hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước láng giềng. Thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững vai trò chủ trì đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tăng cường phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng duy trì các hiệp định, quy chế tuần tra chung, diễn tập, giải quyết các vụ việc trên biên giới, cửa khẩu đúng chủ trương, đối sách; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định các tuyến biên giới.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển; triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới, thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến, kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu... Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án, kế hoạch, diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng biển, đảo và an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

BĐBP các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân ở khu vực biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo đúng tinh thần của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Luật Biên phòng Việt Nam. Phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng nguyên tắc các vụ việc xảy ra trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đặc biệt, từ năm 2020, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP đã tập trung lãnh đạo, quán triệt, triệt khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ trì phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân khu vực biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng chống dịch và kiểm soát xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, khẳng định vai trò, trách nhiệm của BĐBP trong ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, để nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, ngày 13/3/2022, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Nghị quyết số 387-NQ/ĐU “Lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, các hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu. Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất công tác quản lý, nâng cấp, mở mới hệ thống cửa khẩu trên toàn quốc theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử gắn với chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho thông quan cửa khẩu hướng đến mục tiêu Chính phủ điện tử. Đây là sự đột phá lớn trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy BĐBP nhằm thực hiện hóa mục tiêu quản lý biên giới thông minh, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, tự động hóa trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử như: Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, ứng dụng mã vạch trong kiểm soát người tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc và cửa khẩu cảng; nâng cao năng lực kiểm soát xuất, nhập cảnh của BĐBP, vừa tạo thông thoáng, thuận lợi, song vẫn đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động lưu thông xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và các địa phương, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình “từ sớm, từ xa”, các chủ trương, chính sách của các nước ảnh hưởng đến công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ công tác cửa khẩu chặt chẽ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, sát, đúng với tình hình thực tế và mang tính đồng bộ, lâu dài. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa lực lượng cửa khẩu với lực lượng trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm tiếp tục đổi mới, đi vào chiều sâu, phát huy tốt vai trò của Tổ phân tích xử lý thông tin dữ liệu xuất, nhập cảnh phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có thể khẳng định, với sự đổi mới về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới bằng hệ thống pháp luật về quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; nắm chắc, đánh giá đúng tình hình an ninh trật tự vùng biên giới, biển, đảo, địa bàn trọng yếu, cùng các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tạo được những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng. Đặc biệt, sự kết hợp chặt chẽ giữa pháp luật, nghiệp vụ, công nghệ và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của BĐBP đã góp phần để BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Bài 5: Đột phá trong thực hiện nhiệm vụ duy trì đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thanh-cong-tu-nhung-dot-pha-bai-4-post492406.html