Thận trọng trong xu hướng tăng điểm
Xu hướng tăng điểm đang tạo ra tâm lý lạc quan trên thị trường, tuy nhiên, nhà đầu tư cần giữ sự thận trọng bởi những rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên giao dịch đầy hứng khởi. Chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh mẽ, đóng cửa ở mức 1.497 điểm, áp sát mức đỉnh lịch sử 1.528 điểm. Trong một tháng qua, chỉ số này tăng tới 140 điểm. Đợt tăng điểm lần này có sự gắn kết chặt chẽ với sức mua quay trở lại của khối ngoại, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, khi thị trường tiến gần đến những vùng đỉnh cũ, chúng ta cần có một cái nhìn thận trọng và đa chiều. Đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng của chỉ số chung, những câu chuyện gì đang diễn ra?
Trước hết, cần chú ý đến hai nhân tố chính đã góp phần vào mức tăng của thị trường trong giai đoạn vừa qua. Đó chính là hai cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường: VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của Vinhomes.
Cụ thể, theo dữ liệu từ FiinPro, hai cổ phiếu VIC và VHM đã đóng góp lần lượt là 39 điểm và 33,5 điểm vào mức tăng chung của chỉ số VN-Index. Như vậy, tổng cộng hai cổ phiếu này đã góp gần 73 điểm, tức hơn một nửa mức tăng của VN-Index trong một tháng qua. Điều này có nghĩa, nếu chúng ta tạm thời loại bỏ đóng góp mang tính trọng yếu của hai cổ phiếu này, VN-Index trong tháng qua thực chất cũng chỉ tăng khoảng 67 điểm. Rõ ràng, đà tăng của thị trường đang được dẫn dắt và phụ thuộc rất nhiều vào một vài cổ phiếu trụ cột thay vì có sự lan tỏa đồng đều trên diện rộng.
Trong một tháng qua, bất chấp mức tăng chung rất tích cực của thị trường, vẫn có hơn 700 mã chứng khoán trên tổng số hơn 1.600 mã trên toàn thị trường không hề tăng điểm, thậm chí giảm điểm. Đây chính là biểu hiện rõ nét của tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng", khi chỉ số chung tăng đẹp nhưng danh mục của nhiều nhà đầu tư không được như vậy. Điều này cho thấy mức tăng điểm của thị trường trong đợt vừa qua mặc dù rất tích cực về mặt tâm lý nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và sự phân hóa sâu sắc.
Trong phát biểu mới đây, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán DNSE cho biết, có 95% nhà đầu tư cá nhân đang thua lỗ và họ thường tham gia thị trường chỉ trong 2 năm rồi rời thị trường vì thua lỗ.
Bên cạnh sự phân hóa, một yếu tố rủi ro khác mà nhà đầu tư cần quan tâm lúc này chính là định giá của các cổ phiếu đã tăng nóng. Khi một cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ, chúng ta cần xem xét các chỉ số định giá cơ bản như P/E (giá trên lợi nhuận) và P/B (giá trên giá trị sổ sách) để đánh giá xem mức giá đó còn hấp dẫn hay không.
Một mức định giá quá cao có thể cho thấy rằng mọi kỳ vọng tốt đẹp về tương lai của doanh nghiệp đã được "phản ánh vào giá". Khi đó, chỉ cần một thông tin không mấy tích cực hoặc kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, cổ phiếu đó sẽ rất dễ bị điều chỉnh giảm. Nhiều cổ phiếu trong nhóm công nghệ và ngân hàng, sau một đợt tăng giá dài, đang có chỉ số P/E ở mức cao so với trung bình lịch sử của chính nó và của ngành.
Ví dụ, mức P/E của sàn HoSE tính đến cuối tuần qua là 14,6 lần, trong khi cách đây 1 tháng là 13,3. Vậy khi mà mức định giá của thị trường đang cao dần, nhà đầu tư cần chú ý tới chỉ số này của từng mã chứng khoán khi nó đã cao vượt trội thị trường chung hoặc là cao vượt trội so với ngành.
Tóm lại, dù không khí thị trường đang rất lạc quan, nhà đầu tư vẫn cần giữ một cái đầu lạnh. Đợt tăng giá lần này có sự tập trung rất lớn vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn và chưa có sự lan tỏa rộng khắp. Điều này có nghĩa là rủi ro vẫn còn hiện hữu. Thay vì chỉ nhìn vào màu xanh của chỉ số VN-Index, đây là lúc chúng ta cần xem xét lại danh mục của mình một cách kỹ lưỡng, đánh giá lại định giá của từng cổ phiếu và có những quyết định đầu tư thực sự thận trọng.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/than-trong-trong-xu-huong-tang-diem-348068.htm