Thắm tình nơi biên cương

Nơi miền biên giới Việt - Lào, tình cảm keo sơn của cư dân đôi bờ sông Sê Pôn luôn nồng thắm. Ở đó, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người dân đã cùng nhau vun đắp tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và bảo vệ đường biên cột mốc nhằm gìn giữ tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp 'mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững'…

 Lực lượng Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Lào ở tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi lễ chào cột mốc quốc giới. Ảnh: Đ.V

Lực lượng Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Lào ở tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi lễ chào cột mốc quốc giới. Ảnh: Đ.V

Miền biên viễn những ngày cuối năm thấp thoáng những bông hoa trẩu nở trắng tinh khôi trên khắp các bản làng. Trong khu vườn rộng hàng héc-ta ở thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa, anh Hồ A Xa đang ra thăm những cây bời lời đỏ căng tràn sức sống và tranh thủ cắt lá cho dê ăn. Anh nói, vườn cây bời lời và hàng chục con dê của vợ chồng anh chính là tài sản lớn giúp gia đình có cuộc sống đủ đầy và nuôi con ăn học đàng hoàng. Đó cũng là thành quả đảm bảo cho gia đình anh có được cái tết ấm cúng hơn.

Anh Xa cho biết, mấy năm trước đời sống gia đình anh hết sức khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng về nguồn giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn tận tình kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu thị trường tiêu thụ nên anh đã biết làm ăn bài bản, hiệu quả. Cuộc sống nhờ đó mà khá hơn nhiều. Khi đã khấm khá, anh hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ lại cho nhiều hộ gia đình khó khăn tại địa phương, trong đó có cả những gia đình ở bên kia biên giới đối diện- bản Ổi (huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào). “Hồi trước mình nghèo, mình cũng sang bản bạn mượn đất trồng chuối, sắn để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nay khá hơn thì cố gắng giúp đỡ lại cho những gia đình nghèo khó bên bản bạn về nguồn giống cây trồng để thoát nghèo và tiến tới làm giàu”, anh Xa tâm sự.

Trưởng thôn Ra Man Hồ Văn Linh cho biết, toàn thôn hiện có 135 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều. “Vài năm trước đây thôn có tỉ lệ hộ nghèo rất cao, khoảng trên 70%. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng mà cuộc sống của người dân đã đỡ hơn. Tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm dần qua từng năm. Tuy cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng người dân đã biết nỗ lực phát triển kinh tế, đồng thời cùng với địa phương quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình nghèo khó hơn ở bên kia biên giới. Ngoài ý nghĩa tương trợ nhau để xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu thì đó còn là sự đoàn kết, vun đắp tình hữu nghị keo sơn truyền thống từ bao đời của người dân địa phương”, ông Linh cho biết thêm.

Chị Võ Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho biết, thực hiện chủ trương kết nghĩa bản - bản, Hội Phụ nữ thị trấn đã kết nghĩa với Hội Phụ nữ bản Densavan của huyện Sê Pôn và có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ dê giống, cây trồng cho bạn. Cùng với hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế cho bản bạn, hai bên cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, đồng thời cùng nhau tuyên truyền cho hội viên và người dân nâng cao nhận thức về quốc gia, quốc giới và tự giác thực hiện tốt Hiệp định về biên giới quốc gia giữa Lào và Việt Nam. Những ngày lễ, tết của hai dân tộc, Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo và Hội Phụ nữ bản Densavan, bản Phường thường qua lại thăm hỏi, động viên nhau. Những việc làm bình dị, gần gũi, thân thương ấy đã góp phần làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, vun đắp thêm tình đoàn kết gắn bó lâu đời của cư dân hai bên biên giới Việt - Lào.

Chị Nang Phu Khăm, Chi hội trưởng phụ nữ bản Densavan xúc động cho biết vừa mới được Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo trao tặng cây giống. “Nhiều hội viên phụ nữ bên phía mình đã được Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo tặng dê giống, cây keo, giống sắn, chuối để phát triển kinh tế, nhờ vậy cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, cán bộ hội phụ nữ mình cũng được phía bạn truyền đạt kinh nghiệm trong công tác hội hiệu quả hơn. Sự giúp đỡ thân tình ấy khiến chị em mình rất cảm kích”, chị Nang Phu Khăm tâm sự.

Trung tá Trần Văn Đàn, Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, đơn vị đóng chân trên địa bàn và quản lí 4 xã gồm A Túc, A Xing, Thanh, Xy; trong đó có 12 thôn, bản biên giới giáp với 4 bản đối diện của huyện Noòng. Theo Trung tá Trần Văn Đàn, dẫu còn nhiều khó khăn, song thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với những khó khăn của nhau, các thôn bản kết nghĩa đã giúp nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện cho việc lưu thông sản phẩm hàng hóa, nhiều hộ gia đình dân bản đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần làm cho đời sống nhân dân các thôn bản giáp biên của hai bên được cải thiện nhanh chóng. “Từ năm 2014 đến nay, các bản phía Việt Nam đã giúp các bản đối diện hơn 21.000 giống sắn KM 94, 8.000 cây tràm và bời lời, 125 kg giống ngô lai, 500 cây ăn quả, hơn 300 con gia súc, gia cầm giống, gạo, muối, đồng thời hướng dẫn cách làm ăn nên nhiều hộ gia đình từ hoàn cảnh khó khăn nay đã ổn định cuộc sống, có những hộ đã vươn lên giàu có”, Trung tá Trần Văn Đàn cho biết.

Mặt khác, những lúc thiên tai, bão lụt, hoạn nạn xảy ra hai bên đều kịp thời giúp đỡ nhau bằng những việc làm hết sức cụ thể như bản Xy Ra Man của Việt Nam khi nhận được gạo trợ cấp đã vận động mỗi gia đình dành lại 2- 3 kg để mang sang giúp dân bản kết nghĩa. Từ năm 2014 đến nay, cơ sở y tế các xã và trạm xá quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Tam Thanh cũng tận tình khám, điều trị bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người dân bản bạn. Các ngày lễ lớn, tết cổ truyền dân tộc của 2 nước, người dân các thôn, bản kết nghĩa hai bên đều tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng, chung vui nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị. Các hoạt động thực hiện quy chế và cam kết kết nghĩa giữa các cặp bản đã xuất hiện những gương điển hình, để lại những tình cảm sâu sắc cho nhân dân hai bên biên giới về sự sẵn sàng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống như: Già làng Hồ Ray, bản Ra Man, xã Xy; già làng Pả Ai của bản A Ho, xã Thanh tự bỏ tiền mua thuyền để phục vụ người dân hai bên qua lại trao đổi hàng hóa, thăm thân, giao lưu thuận lợi, qua đó góp phần củng cố, thắt chặt thêm tình đoàn kết thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145533