Tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi vận động viên xuất sắc
Thời gian qua, công tác tuyển chọn vận động viên (VĐV) và không kêu gọi các nguồn tài trợ gặp khá nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Nghệ An vẫn làm tốt vai trò tham mưu về chính sách ưu đãi đối với VĐV xuất sắc.
Để hiểu thêm về điều này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc trung tâm.
Phóng viên (PV): Thưa ông, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nghệ An đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển thể thao của Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung?
Ông Nguyễn Hoàng Trung: Trung tâm được thành lập từ năm 1962 với tên gọi ban đầu là Trường Bồi dưỡng cán bộ TDTT và sau đổi tên thành Trường Năng khiếu TDTT. Đến năm 1993, Trường Năng khiếu TDTT hợp nhất với Trung tâm TDTT thành Trung tâm Đào tạo huấn luyện TDTT. Đầu năm 2020, trung tâm tiếp tục hợp nhất với Trung tâm Thi đấu và dịch vụ thể thao thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT.
Trung tâm có nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh; tập huấn tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao trong nước, khu vực và quốc tế... Hiện tại, trung tâm được UBND tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu đào tạo 315 VĐV cho 19 môn thể thao, gồm: Cử tạ, cầu mây, pencak silat, vovinam, võ cổ truyền, taekwondo, bi sắt, vật... Trong đó, cầu mây, cử tạ, đá cầu đang có thành tích tốt và ổn định. Trong những năm qua, thể thao Nghệ An có nhiều VĐV được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia, tham gia thi đấu các giải quốc tế, hằng năm giành được từ 15 đến 20 huy chương quốc tế các loại. Đặc biệt, đã có VĐV Nghệ An đoạt Huy chương Vàng (HCV) SEA Games (Nguyễn Văn Tài môn wushu, Phạm Thị Hồng Thanh môn cử tạ) và có VĐV tham dự vòng loại Olympic (Nguyễn Thị Đường môn taekwondo).
PV: Ngoài chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao đặc thù, VĐV tỉnh Nghệ An được học văn hóa và rèn luyện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Trung: Trước đây, VĐV tuyển chọn vào trung tâm được học văn hóa ở các trường phổ thông trên địa bàn TP Vinh. Từ năm 2012, Trường phổ thông Năng khiếu TDTT được thành lập và các VĐV được tuyển chọn vào trung tâm sẽ chuyển về học văn hóa tại đó. Các VĐV đang ở độ tuổi học văn hóa thì một buổi học văn hóa, một buổi tập thể thao. Ngoài ra, tùy theo kế hoạch huấn luyện và thi đấu của các bộ môn mà trung tâm bố trí cho VĐV tập luyện thêm vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Trung tâm ban hành quy chế quản lý VĐV riêng. Ngoài ra, chúng tôi có quy chế phối hợp giữa 3 đơn vị: Trường phổ thông Năng khiếu TDTT, trung tâm và Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam trong quản lý VĐV. Mỗi đơn vị có phân công một bộ phận thực hiện nhiệm vụ này, thường xuyên liên lạc để thông báo nắm tình hình VĐV. Vào sáng chủ nhật đầu tiên của tháng, trung tâm tổ chức sinh hoạt nhận xét, đánh giá VĐV và giao cho đoàn thanh niên hằng tháng phân công các lớp tổng vệ sinh toàn trung tâm một lần, tất cả VĐV đều phải tham gia.
PV: Thiếu thốn cơ sở vật chất, khó kêu gọi được xã hội hóa, không dễ tuyển chọn được VĐV năng khiếu là những khó khăn chung của thể thao tại các địa phương. Vấn đề này có xảy ra ở trung tâm không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Trung: Xã hội hóa trong thể thao thành tích cao ở Nghệ An là vấn đề rất nhiều khó khăn ở địa phương, thậm chí là chưa có gì. Theo đó, các hoạt động của trung tâm phần lớn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của địa phương. Vì vậy, làm thế nào để hỗ trợ thêm nguồn thu nhập cho VĐV là điều mà chúng tôi hết sức trăn trở? Bên cạnh đó, việc tuyển chọn VĐV cũng gặp không ít trở ngại. Vấn đề đầu tiên chính là nhận thức của không ít người trong xã hội. Với nhiều người, thể thao thành tích cao không được coi là một nghề. Bởi thực tế cho thấy: Tuổi nghề của VĐV thường không dài. Đặc biệt, sau khi VĐV giải nghệ nhiều em phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi, cơ sở vật chất của trung tâm còn rất khó khăn nên sự hỗ trợ dường như không có.
PV: Thưa ông, để giải quyết những khó khăn trên, ngành thể thao Nghệ An đã có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Hoàng Trung: Để phần nào giải quyết những khó khăn trên, trung tâm đã tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An trình và được UBND, HĐND tỉnh đồng ý cho xây dựng “Đề án về chế độ ưu đãi đối với VĐV thể thao xuất sắc của tỉnh Nghệ An”. Đề án này tập trung vào việc hỗ trợ tiền hằng tháng cho VĐV và hỗ trợ giải quyết khi VĐV giải nghệ. Tuy nhiên, hiện nay đang trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế nên cũng rất khó. Chúng tôi luôn cố gắng tham mưu tốt để ít nhiều cũng tạo điều kiện cho VĐV yên tâm cống hiến. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn có cơ sở vật chất bảo đảm mức trung bình cho công tác đào tạo, huấn luyện VĐV; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với VĐV lớn tuổi (giải nghệ) để các em yên tâm tập luyện và thi đấu. Khi trung tâm có chính sách thuận lợi thì tin chắc thể thao thành tích cao của Nghệ An sẽ phát triển hơn trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!