Thái Bình: Đề xuất thêm kinh phí đào tạo

Ưu tiên cả về vốn, nhân lực trong nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp, khuyến công Thái Bình đã góp sức không nhỏ tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Với hơn 5.000 nhân khẩu, người dân xã Quỳnh Xã, huyện Quỳnh Phụ chủ yếu làm nông nghiệp và không có nghề phụ. Hàng năm, khoảng hơn 2.000 lao động chính trên địa bàn xã phải đi làm thuê, số lao động còn lại tại địa phương chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.

Nhiều lao động đã được đào tạo nghề may công nghiệp

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức lớp may công nghiệp cho người dân trên địa bàn xã. Kết thúc khóa học, học viên tìm được việc làm tại các doanh nghiệp may với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, trung tâm tiếp tục tổ chức đào tạo may công nghiệp cho tất cả đối tượng nam, nữ trong độ tuổi từ 15 - 45 không có việc làm trên địa bàn xã. Sau khóa học kết thúc vào tháng 8/2020, học viên sẽ được kết nối với doanh nghiệp may để có việc làm.

Quỳnh Xã là một trong nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được trung tâm hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề cho người dân. Ngoài ra có thể kể tới huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ…. Các ngành nghề đào tạo cũng khá đa dạng như: May công nghiệp, vận hành bảo dưỡng sửa chữa máy nông nghiệp, cơ khí…

Nhiều năm qua, đào tạo nghề là một trong những nội dung được ưu tiên dành nguồn lực cho triển khai. Tính từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã đào tạo nghề cho 5.345 lao động, kinh phí thực hiện trên 7,257 tỷ đồng, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 70%.

Theo đại diện Sở Công Thương, dù nội dung được triển khai nhiều nhưng các đề án đào tạo nghề luôn được thực hiện trên cơ sở khảo sát kỹ nhu cầu của doanh nghiệp, năng lực và mong muốn của người lao động, nên tỷ lệ học viên bỏ lớp cũng như không có việc làm sau đào tạo rất thấp. Một điểm đáng lưu ý, trung tâm luôn hướng vào đào tạo các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm gia tăng lực lượng lao động có tay nghề cao cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp.

Với hiệu quả kinh tế và xã hội đã đạt được của nội dung đào tạo nghề, khuyến công Thái Bình tiếp tục xác định đây là nội dung trọng tâm triển khai trong giai đoạn tới. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh dự kiến đào tạo nghề cho 2.000 lao động, tổng nguồn kinh phí dành cho nội dung này là 4 tỷ đồng. Cùng đó, trung tâm sẽ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và tăng cường khả năng kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Kinh phí dành cho nội dung này khoảng 2 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu, bên cạnh huy động nguồn lực, Sở Công Thương tỉnh cũng chỉ đạo trung tâm tăng cường tuyên truyền chính sách, nhằm phổ biến sâu rộng tới các cơ sở sản xuất, lao động nông thôn hiểu và thụ hưởng; đồng hành cùng doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Đại diện Sở Công Thương cũng đề xuất: UBND tỉnh tăng thêm nguồn kinh phí khuyến công địa phương đến năm 2025 với mức 10 tỷ đồng/năm để phục vụ mục tiêu đào tạo nghề cho người lao động tại các địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhằm phát triển công nghiệp tập trung, hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Từ năm 2014 - 2020, khuyến công Thái Bình đã thực hiện các nội dung với tổng kinh phí trên 34,242 tỷ đồng, một phần kinh phí dành cho triển khai đào tạo nghề và đạt hiệu quả cao.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-binh-de-xuat-them-kinh-phi-dao-tao-140057.html