Thách thức với phim tiểu sử Việt

Một số bộ phim tiểu sử Việt đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả, nhưng đáng tiếc chưa được đánh giá cao về chất lượng và gây nhiều tranh cãi.

Một cảnh trong phim “Em và Trịnh”.

Một cảnh trong phim “Em và Trịnh”.

Dòng phim mới

Phim tiểu sử là dạng phim tái hiện cuộc đời một nhân vật có thật. Đây là dòng phim đã phổ biến trên thế giới và được đánh giá là một mảng khá “lý tưởng” để các nhà làm phim khai thác, bởi bản thân nhân vật được nói đến vốn đã là một chất liệu tuyệt vời, gây thu hút dư luận trước khi phim ra đời.

Nhưng ở Việt Nam, phim tiểu sử vẫn là một địa hạt mới mẻ. Hiện nay công chúng mới biết đến một số bộ phim tiểu sử của điện ảnh Việt như dự án phim “Trịnh Công Sơn”, phim “Vòng eo 56” nói về cuộc đời của người mẫu nội y Ngọc Trinh, phim “Sắc đẹp dối trá” lấy cảm hứng từ cuộc đời của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang. Hay mới đây, dự án phim tiểu sử cuộc đời của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - “Hào quang rực rỡ” cũng đang thu hút dư luận.

Ngoài ra, còn một số phim tiểu sử của người nổi tiếng đang được thực hiện như phim về hai diễn viên xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, nghệ sĩ Quyền Linh, Cát Tuyền...

Có thể nói, khi mới công bố, hầu hết phim tiểu sử đều nhanh chóng thu hút sự mong đợi của công chúng, nhưng vẫn chưa để lại dấu ấn đáng kể. Thậm chí một số phim còn gây tranh cãi không đáng có.

Ranh giới giữa sự thực và hư cấu

Một số ý kiến cho rằng, nhiều phim tiểu sử trong nước hiện do các nghệ sĩ kể về đời mình như một sự “lưu niệm” nên còn ở góc nhìn khá hẹp, chưa đem lại nhiều giá trị cho công chúng.

Năm 2016, phim “Vòng eo 56” đã thành công về mặt dư luận, gây chú ý mạnh mẽ với độ “hot” của Ngọc Trinh lẫn sự “chịu chơi” của cô khi bỏ ra 20 tỉ để đóng phim về chính mình. Tuy nhiên, phim không nhận được phản hồi tích cực từ người xem. Nguyên nhân được cho là nội dung phim khá đơn giản, diễn xuất chưa có dấu ấn.

Phim điện ảnh “Sắc đẹp dối trá” của Hương Giang dù được đầu tư mạnh về phần kịch bản nhưng cũng chưa được khán giả đánh giá cao về chất lượng.

Mới đây, phim “Hào quang rực rỡ” của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi công bố cũng gây chú ý trong dư luận. Đặc biệt khi tên ban đầu của phim là “Hào quang rực rỡ - The King”. Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng tên phim nhằm nói đến vị thế “ông hoàng nhạc Việt” của Đàm Vĩnh Hưng. Bộ phim sau đó được đổi tên thành “Hào quang rực rỡ”.

Một điểm chung của phim tiểu sử Việt Nam hay quốc tế là luôn đứng ở ranh giới giữa sự thực và hư cấu. Đôi khi không tránh khỏi những chi tiết “nhào nặn”, hư cấu dưới góc nhìn của nghệ thuật điện ảnh phục vụ mục đích tạo kịch tính, tô đậm một quan điểm hay thông điệp nhà làm phim muốn truyền tải. Do đó, không dễ để một tác phẩm điện ảnh về tiểu sử cá nhân giành được sự yêu mến của cả khán giả đại chúng lẫn giới phê bình.

Phim tiểu sử Việt tương đối thành công gần đây có thể kể đến là dự án phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hai bộ phim “Trịnh Công Sơn” và “Em và Trịnh”. Phim mang đậm chất điện ảnh, được xây dựng công phu, đầu tư cao, thu hút sự quan tâm ủng hộ của khán giả và đạt doanh thu tốt khi ra rạp. Dù vẫn còn tranh cãi về những chi tiết trong cuộc đời nhân vật chính nhưng bộ phim cũng đã mở ra một hướng đi mới cho dòng phim tiểu sử Việt, mang lại kinh nghiệm cho các nhà làm phim quan tâm đến dòng phim này.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thach-thuc-voi-phim-tieu-su-viet-post470872.html