Thách thức mới với nhà băng

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép triển khai thanh toán điện tử qua hệ thống viễn thông sẽ thúc đẩy kinh tế phi tiền mặt phát triển nhanh hơn, đặt ra thách thức với các ngân hàng.

Nhà mạng hiện có tới 98% dân số có tài khoản di động, trong khi nhà băng mới chỉ có 30% dân số tiếp cận tài chính tiêu dùng

Tuy nhiên, lợi thế đôi khi không thuộc về ngân hàng hay nhà mạng, mà có thể thuộc về những Fintech đang nắm dữ liệu có giá trị thực về người dùng.

Lợi thế nền tảng

Các ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trên thị trường thanh toán dịch vụ. Kinh nghiệm tưởng chừng sẽ là lợi thế của các nhà băng, nhưng trên thực tế có một sự chênh lệch rất lớn về lợi thế, cũng được tính là nền tảng để nhà băng và nhà mạng viễn thông “cân tài” nhau trong cuộc đua trên thị trường thanh toán số.

Những thống kê từ NHNN cho thấy hệ thống ngân hàng sở hữu đa dạng các hình thức thanh toán phi tiền mặt, gồm 18.587 ATM và 243.123 máy POS trải rộng khắp cả nước. Riêng về thẻ, số lượng và giá trị giao dịch thẻ của ngân hàng tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, NHNN cho biết đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động có mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.

Nếu so mạng lưới nêu trên, các nhà mạng chỉ có tài khoản thuê bao di động và thẻ cào. Nhưng họ đã có tới 98% dân số có tài khoản di động, tức gần như đã bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Trong khi việc tiếp cận tài chính tiêu dùng của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt hơn 30% dân số. Rõ ràng, lợi thế hệ thống đang thuộc về các nhà mạng, nếu xét từ góc độ sở hữu big data và thông tin tài khoản sẵn có để triển khai “một bước tới đích” thanh toán điện tử mà Việt Nam đang nhắm đến là thanh toán di động. Tuy nhiên, điều mà các nhà mạng đi sau nhà băng, chính là đang chờ khung pháp lý để phát triển thanh toán di động bước ra khỏi “vùng phủ sóng” quen thuộc.

Kết nối hay đối mặt?

Tuy nhiên, một chuyên gia ngân hàng đánh giá, ngay cả khi sở hữu big data khủng gần hết 100% dân số Việt – điều mà mọi doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng mơ ước, thì nhà mạng cũng không thể một bước lấn át được ngân hàng trong cuộc đua thanh toán này, ít nhất là trong năm nay hoặc 1- 2 năm tới.

Sở dĩ nói như vậy, là bởi big data mà các nhà mạng sở hữu, đang khá sơ khởi. Đây gần như chỉ là thông tin cơ bản của cá nhân người dùng theo dạng “tiểu sử”, không thể hiện nhiều cá tính hay tâm lý, mong muốn, nhu cầu… Do đó, nhà mạng chỉ có thể tiếp cận và nhanh chóng thúc đẩy thu thập dữ liệu về hành vi người dùng mới có thể thực sự khai lộ big data tưởng là “mỏ vàng” đang nắm.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng, phương thức thanh toán điện tử bằng tài khoản viễn thông sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính tốt hơn, nhưng cần một hệ sinh thái mở để gia tăng kết nối ngân hàng, Fintech với các loại hình thanh toán bao gồm ví điện tử và thanh toán trên tài khoản di động.

Tuy việc thúc đẩy một hệ sinh thái mở để các nhà mạng, nhà băng, Fintech kết nối được với nhau là điều mà ai cũng nói đến, nhưng rõ ràng đến nay, hệ sinh thái và khả năng kết nối giữa các bên còn là những đường mờ chưa được xác thực rõ. Và một khi tất cả cùng hướng về người dùng, thì lợi thế đôi khi không thuộc về ngân hàng hay nhà mạng, mà có thể thuộc về những Fintech, như Grab Pay...

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, cho rằng tương lai mảng dịch vụ thu phí đối với khách hàng của nhà băng, cũng như tương lai của mảng thanh toán thu phí “bạc cắc” nhưng số lượng lớn của nhà mạng có thể sẽ bị chèn lấn, nếu không tự mình mở rộng, hoặc bắt tay hoàn thiện hệ sinh thái, nhất là khi Việt Nam có những Fintech như Alibaba hay Wechat.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thach-thuc-moi-voi-nha-bang-151030.html