Thạc sĩ 8X khởi nghiệp với thạch sương sâm
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây sương sâm, bà Trà Thị Kim Thoa (sinh năm 1988, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) đã trồng và xây dựng mô hình chế biến thạch sương sâm mang lại hiệu quả. Đồng thời, nhân rộng mô hình giúp phụ nữ ở địa phương kiếm thêm thu nhập.
Bà Thoa tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Sau 9 năm công tác tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh, năm 2020, bà Thoa quyết định nghỉ việc để thực hiện ước mơ riêng. Vừa làm online, kinh doanh quán cà phê, bà vừa đi thỉnh giảng môn Thực vật dược cho sinh viên một số trường tại Nha Trang. Sau dịch Covid-19, việc kinh doanh bị đình trệ nên bà quyết định rời phố về quê vào tháng 6-2023. Thấy mẹ có trồng một ít gốc sương sâm để chế biến món ăn giải khát cho gia đình và làm thạch bán lẻ tại chợ, sẵn chuyên ngành của mình, bà bắt tay vào nghiên cứu xây dựng mô hình chế biến thạch sương sâm tại Ninh Hòa.
Bà Thoa cho biết, cây sương sâm có 2 loại là lá trơn và lá lông. Bà chọn trồng sương sâm lá trơn vì dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, không kén đất và phù hợp với đất trồng tại Ninh Hòa. Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn lá/năm/1.000m2. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ phường Ninh Hiệp, bà vay 90 triệu đồng để phát triển và mở rộng diện tích trồng cây sương sâm trong khu vườn khoảng 1.000m2 của gia đình. Đồng thời, bà đầu tư thêm máy móc để phục vụ việc chế biến thạch sương sâm thay vì phải làm thủ công như trước. Theo y học cổ truyền, cây sương sâm có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, tiêu độc..., vì vậy, thạch sương sâm là món ăn vặt, giải khát rất tốt cho mọi người.
Quy trình chế biến thạch sương sâm được bà thực hiện theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) - chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ nhà vườn đến chế biến và bán ra thị trường. Chế biến thạch sương sâm đơn giản, nhưng trong quá trình chiết xuất dịch, bà thực hiện theo công thức riêng để cho ra sản phẩm thạch đặc, mềm, không ra nhiều nước khi để lâu và không sử dụng thêm bất kỳ chất kết dính nào. Ban đầu, mỗi ngày bà chỉ làm 1kg lá cho ra 50 ly thạch sương sâm, đến nay tăng lên 4kg lá/ngày với 200 ly; với giá bán từ 5.000 đến 7.000 đồng/ly tùy vào bán sỉ hay lẻ, sau khi trừ chi phí bà lãi khoảng 700.000 đồng/ngày. Đầu tháng 4-2024, Dự án “Xây dựng mô hình chế biến thạch sương sâm tại thị xã Ninh Hòa” của bà và một dự án khác được Hội Phụ nữ phường Ninh Hiệp chọn để tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Dự án của bà vượt qua vòng thi sơ loại, được chọn vào vòng thi bán kết cấp vùng miền Trung và đang chờ kết quả của cuộc thi.
Vì nguồn lá sương sâm không đủ sản xuất nên trong thời gian tới, bà Thoa tiếp tục mở rộng vườn trồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, an toàn; đồng thời, chuẩn bị hồ sơ để năm 2025 đăng ký thạch sương sâm là sản phẩm OCOP. Hiện nay, bà đang nhân rộng mô hình bằng cách ươm cây giống rồi hướng dẫn 4 hộ ở phường Ninh Hiệp và xã Ninh Đông trồng cây, giúp phụ nữ có thêm thu nhập. Sau đó, bà thu mua lại lá của người dân với giá 50.000 đồng/kg.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa cho biết, mô hình chế biến thạch sương sâm không chỉ là dự án khởi nghiệp có hiệu quả, mà còn có khả năng triển khai thực hiện tại địa phương, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ. Các chị em có thể trồng cây, thu hoạch lá sương sâm, chế biến thạch và kinh doanh sản phẩm. Trong thời gian tới, hội sẽ nhân rộng mô hình để giúp chị em nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, có việc làm và thu nhập ổn định.
HÒA TRANG