Tết xa, tết gần
Gần đây, người thành phố, nhất là người trẻ, có xu hướng cứ đến tết là lên đường đi du lịch, ăn tết xa nhà. Tùy theo điều kiện kinh tế và thời gian được nghỉ tết để họ có kế hoạch đi gần hay xa, đi trong bao lâu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người mong muốn tết đến là dịp để đoàn tụ với người thân trong gia đình.

Hội thi gói bánh chưng để giữ gìn tết truyền thống tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Tú Linh
Hàng xóm của tôi là một gia đình trẻ. Hai vợ chồng làm công việc kinh doanh. Con trai lớn học cấp hai còn con gái nhỏ đang học mầm non. Năm nào cũng vậy, khoảng 28 tháng Chạp là vợ chồng, con cái chất hành lí lên xe đi chơi xa cùng với các gia đình bạn bè thân thiết. Năm thì họ đi nghỉ tết ở Kon Tum, năm thì ra Thanh Hóa, mỗi chỗ dăm ba ngày. Năm nay họ lên kế hoạch đi tận Sa Pa. Do tính chất công việc kinh doanh bận rộn suốt năm nên gia đình này tranh thủ mấy ngày tết đi chơi đó đây để nghỉ ngơi, thư giãn và cũng là dịp để trải nghiệm. Các công việc chuẩn bị cho tết đã có bố mẹ lo và vợ chồng họ cũng đã cố gắng sắp xếp chu toàn trước đó. Việc tìm đến những địa điểm du lịch để trải nghiệm, khám phá sẽ giúp họ vui hơn thay vì quanh quẩn ăn uống, đi chơi nhà người thân, thăm họ hàng trong mấy ngày tết.
Để chuẩn bị hành trình ăn tết xa nhà thì trước đó nhiều gia đình đã lên kế hoạch khá chu đáo. Anh Phạm Xuân Thắng, một công chức nhà nước ở phường Đông Lương, TP.Đông Hà kể năm trước, ngay từ tháng mười dương lịch 4 gia đình anh em ruột thịt gồm 14 người đã đăng kí thuê một xe ô tô 16 chỗ đi chơi tết. Đúng sáng 29 tết gia đình anh khởi hành từ Đông Hà lên Đà Lạt đón giao thừa và thuê khách sạn ở lại thăm thú 4 ngày, sau ngày mồng 2 đầu năm thì quay về nhà. Lương thực, thực phẩm mang theo là những món ăn ngày tết như bánh chưng, dưa món, bánh bột lọc... Lên Đà Lạt còn được thưởng thức các món ăn địa phương để thay đổi khẩu vị cũng như trải nghiệm thêm văn hóa ẩm thực phong phú được bày biện cho dịp tết của vùng đất Tây Nguyên. Chuyến chơi tết xa tổng cộng 6 ngày, chi phí bình quân hơn 7 triệu đồng/ người.
Điểm đến nghỉ tết của gia đình anh Thắng năm nay là bay ra đảo ngọc Phú Quốc để chiêm ngưỡng sự thú vị của hòn đảo giữa biển trời nam Tổ quốc. Anh cho biết, vào dịp tết tất cả các dịch vụ đều tăng giá, nhưng anh em trong gia đình có kế hoạch trước là chi tiêu thông minh, phù hợp nên chi phí phục vụ cho sở thích đón tết xa cũng phù hợp với khả năng gia đình.
Tuy nhiên, với nhiều người lớn tuổi, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian rất ý nghĩa và quan trọng bậc nhất trong năm để con cháu, anh em làm ăn, công tác ở mọi miền về quê đón tết, gìn giữ phong tục tết xưa. Đây là thời điểm mọi người tạm gác lại công việc, học hành và lo toan trong cuộc sống để trở về quây quần, sum họp bên gia đình, thắp hương tổ tiên, thăm nom họ hàng... Bởi vậy, việc đi du lịch, đón tết xa vào dịp này là không nên. Gia đình ông Trần Ngọc Thành ở đường Hoàng Diệu, TP. Đông Hà có con trai làm ăn ở Đà Nẵng. Do công việc rất bận rộn nên chỉ khi ở quê có việc quan trọng, con trai ông mới đưa vợ con về, nhưng cũng chỉ trong ngày là lại đi ngay, ngần ấy thời gian được gần con cháu ông bà cảm thấy rất vui. Tết vừa rồi, thay vì về quê sum họp cùng gia đình, con trai ông bà đã đưa vợ con đi du lịch. Không nói ra nhưng ông bà cảm thấy hụt hẫng và buồn khi nhìn sang gia đình hàng xóm sum vầy đông đủ.
Tháng Chạp năm nay đã đi qua hơn nửa thời gian, năm nào ông bà Thành cũng trong ngóng gia đình con trai về ăn tết. Ông bà chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngày tết đợi các cháu về cùng gia đình gói bánh chưng, rồi đêm về bên nồi bánh sôi sùng sục, ông cháu cùng nhau ôn lại câu chuyện về bánh chưng, bánh dày.
Không phải người trẻ nào cũng ủng hộ việc tết xa. Anh Lâm Công Vinh ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh xa quê gần 20 năm nhưng chưa có cái tết nào anh không về quê ở xã Gio An, huyện Gio Linh dịp tết để đoàn tụ, sum vầy và được hưởng trọn niềm vui, tình yêu thương của quê hương. Giai đoạn con còn nhỏ anh động viên vợ bồng bế con lên tàu về quê ăn tết cùng gia đình, nội ngoại. Đến khi ăn nên làm ra, mỗi lần tết đến anh lái ô tô chở cả gia đình từ TP. Hồ Chí Minh về quê. Anh nói đi như vậy cũng là du lịch để các con trải nghiệm, hiểu thêm về quê hương, đất nước và mang theo tình cảm bà con họ hàng, hình ảnh tết quê trong hành trang vào đời.
Các chuyên gia văn hóa ủng hộ tết xa của giới trẻ vì đó là xu thế của thời đại, đi xa vài ngày để bổ sung thêm nguồn gió mới, năng lượng mới. Nhưng cũng khuyên các gia đình trẻ nên hướng về cội nguồn, tổ tiên, biết cân bằng giữa xu hướng hội nhập và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Ý nghĩa nhất là các gia đình trẻ nên đón tết cùng gia đình, tổ tiên đến ngày mồng 2 đầu năm mới rồi xuất hành đi chơi xa để đón lộc. Nếu làm được như vậy, câu nói xưa “mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy” luôn ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145340