Tencent và Baidu hé lộ chiến lược đối phó với lệnh hạn chế chip của Mỹ
Hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Tencent và Baidu vừa tiết lộ cách họ đối phó với lệnh hạn chế chip của Mỹ để giữ vị thế trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Chiến lược của các công ty này bao gồm việc tích trữ chip, tối ưu hóa mô hình AI để tiết kiệm tài nguyên và sử dụng chip nội địa do Trung Quốc sản xuất, CNBC đưa tin ngày 26/5.
Tencent: Dự trữ GPU và tối ưu phần mềm
Theo CNBC, trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 diễn ra ngày 14/5 vừa qua, ông Martin Lau, Chủ tịch Tencent cho biết công ty hiện có một kho dự trữ các chip GPU (loại chip quan trọng để huấn luyện các mô hình AI quy mô lớn) đã mua từ trước.

Tencent cho biết công ty đang tích trữ một lượng lớn chip GPU mà họ đã mua từ trước. Ảnh: Tencent.
Tuy nhiên, ông Lau khẳng định rằng, không giống các công ty Mỹ, vốn tin rằng cần mở rộng cụm GPU để phát triển AI tiên tiến, Tencent vẫn đạt hiệu quả cao với cụm GPU nhỏ hơn. “Điều đó giúp chúng tôi xem xét lại lượng chip cao cấp hiện có và thấy rằng chúng tôi đủ khả năng tiếp tục huấn luyện các mô hình AI trong những thế hệ tiếp theo,” ông nói.
Đồng thời, Tencent tập trung tối ưu phần mềm để tăng hiệu quả, cho phép sử dụng cùng số GPU nhưng xử lý được nhiều hơn. Theo CNBC, ông Lau cũng cho biết công ty đang nghiên cứu các mô hình nhỏ hơn, ít tiêu tốn tài nguyên tính toán hơn. Tencent thậm chí có thể sử dụng chip thiết kế riêng và chip bán dẫn nội địa sẵn có tại Trung Quốc.
Baidu 'tự tin' với năng lực AI toàn diện
Trong khi đó, chiến lược của công ty tìm kiếm Baidu lại tập trung vào năng lực AI toàn diện (full-stack) gồm hạ tầng điện toán đám mây, mô hình AI và các ứng dụng như chatbot Ernie.
“Ngay cả khi không tiếp cận được các loại chip tiên tiến nhất, năng lực AI toàn diện (full-stack) độc đáo của chúng tôi vẫn cho phép xây dựng các ứng dụng mạnh mẽ và mang lại giá trị thiết thực,” ông Dou Shen, Chủ tịch mảng AI Cloud của Baidu phát biểu trong buổi công bố kết quả kinh doanh ngày 21/5.

Chiến lược của Baidu tập trung vào năng lực AI toàn diện (full-stack) gồm hạ tầng điện toán đám mây, mô hình AI và các ứng dụng như chatbot Ernie. Ảnh: Reuters.
Baidu cũng tập trung vào khả năng tối ưu phần mềm và giảm chi phí vận hành mô hình AI, nhờ sở hữu phần lớn công nghệ trong chuỗi hệ sinh thái của mình. Baidu cho biết công ty có thể tối ưu việc sử dụng GPU, khai thác tối đa cụm máy tính hiện có.
“Khi các mô hình nền tảng ngày càng yêu cầu sức mạnh tính toán lớn thì khả năng xây dựng và vận hành cụm GPU quy mô lớn trở thành lợi thế cạnh tranh then chốt,” ông Shen nói.
Ông cũng bày tỏ lạc quan với tiến bộ của các công ty công nghệ Trung Quốc trong phát triển chip AI nội địa, điều có thể giảm thiểu tác động từ các lệnh hạn chế chip của Mỹ
“Các chip nội địa tự chủ, kết hợp với nền tảng phần mềm trong nước ngày càng hiệu quả, sẽ tạo thành một nền tảng vững chắc cho đổi mới lâu dài trong hệ sinh thái AI của Trung Quốc,” lãnh đạo Baidu nhận định.
Trong những năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các loại chip thiết kế và sản xuất trong nước. Mặc dù giới chuyên gia thừa nhận năng lực của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực GPU và chip AI, nhưng đã có những bước tiến rõ rệt.
Ông Gaurav Gupta, nhà phân tích về ngành bán dẫn tại Gartner nhận định việc tích trữ chip là một cách các công ty Trung Quốc đối phó với lệnh hạn chế xuất khẩu. Ông cũng ghi nhận tiến bộ trong công nghệ bán dẫn nội địa của Trung Quốc, dù vẫn thua kém các đối thủ của Mỹ.
“Trung Quốc đang xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn nội địa từ vật liệu, thiết bị, đến chip và đóng gói. Mỗi mảng đạt tiến bộ khác nhau, nhưng họ nhất quán và đầy tham vọng và đã đạt được những thành công nhất định. Điều này tạo ra một hướng đi để Trung Quốc tự chủ nguồn cung chip AI. Dù chưa thể sánh ngang chip Mỹ nhưng họ vẫn không ngừng cải thiện,” ông Gupta trả lời CNBC.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực bán dẫn và AI, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Mỹ đánh giá lại chính sách kiểm soát xuất khẩu chip.
Theo Reuters, tại Hội nghị công nghệ Computex diễn ra ngày 20/5 tại Đài Loan (Trung Quốc), CEO Nvidia Jensen Huang đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip AI của Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc, gọi đó là một “thất bại”.
Từ năm 2022, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành một loạt quy định nhằm siết chặt xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Trong đó, Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các công ty công nghệ như Nvidia và AMD phải xin giấy phép nếu muốn bán các loại chip đồ họa cao cấp, vốn là nền tảng cho huấn luyện trí tuệ nhân tạo, cho khách hàng Trung Quốc. Mục tiêu là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI tiên tiến có thể phục vụ cho các mục đích quân sự hoặc giám sát quy mô lớn.
Đến tháng 10/2023, chính sách kiểm soát tiếp tục được mở rộng. Mỹ chính thức cấm xuất khẩu cả những phiên bản chip "tùy chỉnh" dành riêng cho thị trường Trung Quốc như Nvidia A800 và H800, vốn được thiết kế để lách các lệnh hạn chế trước đó.
Tháng 4/2024, Mỹ một lần nữa thắt chặt chính sách kiểm soát xuất khẩu, bổ sung thêm một số dòng GPU chuyên dụng vào danh sách bị cấm và mở rộng phạm vi đối tượng chịu ảnh hưởng của quy định.
Mới đây, vào ngày 25/3, Cục Công nghiệp và an ninh Mỹ đã bổ sung thêm 80 tổ chức và doanh nghiệp vào danh sách thực thể (Entity List), trong đó có tới 54 công ty Trung Quốc. Theo quy định, các công ty Mỹ không được phép bán hàng hóa, phần mềm hay công nghệ cho các thực thể trong danh sách này nếu không có giấy phép xuất khẩu đặc biệt do Chính phủ Mỹ cấp.