Tên lửa siêu thanh R-37M khiến tiêm kích MiG-35 'bất khả chiến bại'?

Tiêm kích MiG-35 không thu hút nhiều sự quan tâm từ khách hàng, nhưng liệu điều này có thay đổi khi nó được tích hợp tên lửa siêu thanh R-37M?

MiG-35, loại phi cơ hạng trung chỉ có 6 chiếc được sản xuất, chưa đủ để thu hút sự quan tâm từ khách hàng nước ngoài.

Nhiều năm trước, kế hoạch của Moskva thực sự khác biệt: Ít nhất 36 chiếc MiG-35 sẽ được sản xuất để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu tại 5 quân khu. Nhưng sau đó Nga từ bỏ dần mọi dự án liên quan đến "hậu duệ" của chiếc MiG-29 Fulcrum.

Một số chuyên gia phương Tây tiếp tục thắc mắc tại sao Moskva không đặt niềm tin vào loại máy bay chiến đấu này, nhất là khi đã công bố các đặc điểm rất ấn tượng của nó. Họ còn tỏ ra khó hiểu hơn khi được biết ý định mới đây của Nga, đó là tích hợp tên lửa siêu thanh R-37M cho MiG-35.

R-37M là tên lửa không đối không nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ Mach 6. Ngay cả Mỹ và Trung Quốc cũng chưa có loại tương đương.

Loại đạn này được thiết kế đặc biệt để mang và phóng bởi tiêm kích MiG-31, nhưng gần đây nó được nhìn thấy dưới cánh của Su-35 và Su-30SM.

Mặc dù MiG-35 nhỏ hơn so với 3 loại máy bay chiến đấu được liệt kê ở trên, nhưng nó vẫn có thể mang tới 2 tên lửa R-37M, tuy vậy hiệu quả lại là chuyện khác.

Tiêm kích MiG-35 bị nhận xét không thể tận dụng hết tiềm năng của tên lửa siêu thanh R-37M

Một số chuyên gia dự đoán rằng R-37M trên MiG-35 sẽ không có tác dụng tương tự như khi được bắn đi từ MiG-31. Nguyên nhân là bởi MiG-31 bay ở độ cao và tốc độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác của Nga. Tức là tầm bắn của tên lửa từ MiG-35 sẽ kém hơn rất nhiều.

Ngoài vấn đề kể trên, khả năng của radar trên MiG-35 đối với việc dẫn hướng cho tên lửa ở khoảng cách 400 km (tầm bắn tối đa của R-37M) vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải, có thể nó sẽ phải phụ thuộc nhiều vào kết nối mạng với các máy bay khác có cảm biến mạnh hơn.

Nghịch lý lớn nhất đó là MiG-35 xuất hiện vào thời điểm cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Việc nó từng trải qua vài cuộc cạnh tranh với chính "người anh em" MiG-29M cho thấy Moskva chưa biết mình muốn gì. Liệu MiG-29 có bị cho nghỉ hưu để thay thế bằng MiG-35 hay không vẫn là điều mà giới chức quân sự nước này chưa xác định được.

Trên thực tế, nếu Nga tích hợp tên lửa R-37M vào tiêm kích MiG-35, điều đó sẽ khiến nó trở thành "vũ khí xuất sắc", nhưng chỉ trên giấy tờ. Ngoài ra Moskva chỉ có 6 chiếc MiG-35, với số lượng rất nhỏ như vậy, việc tích hợp R-37M vào máy bay hoàn toàn không mang lại lợi ích tài chính, đây rất có thể sẽ là một dự án trên giấy khác của ngành hàng không Nga.

Tuy nhiên, nếu Nga vẫn muốn sử dụng MiG-35 trong điều kiện chiến đấu thực tế, thay vì tích hợp R-37M, tốt hơn hết là họ nên trang bị tên lửa R-77M được phát triển cho tiêm kích tàng hình Su-57 vốn nhẹ hơn nhiều, nó vẫn cung cấp phạm vi tác chiến lên tới 200 km.

Khá nhiều chuyên gia đánh giá tiêm kích MiG-35 được trang bị tên lửa R-77M có cơ hội thu hút khách hàng nước ngoài tốt hơn so với máy bay mang R-37M. Mặc dù vậy, loại tên lửa nào tối ưu có lẽ chỉ được kiểm nghiệm trong điều kiện thực chiến.

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ten-lua-sieu-thanh-r-37m-khien-tiem-kich-mig-35-bat-kha-chien-bai-post618702.html