Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tất cả tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM sẽ có khả năng mang tên lửa R-74M (hay còn gọi là RVV-MD hay K-74) thế hệ mới nhất - đây là biến thể nâng cấp từ loại R-73 (AA-11 Archer) nổi tiếng.
Cần lưu ý rằng tên lửa tầm ngắn R-74M đã nhận được khả năng mở rộng phạm vi góc bắn, và hiện có thể tấn công các mục tiêu trên không ngay cả khi chúng nằm tại bán cầu sau theo nguyên tắc "phóng và quên".
Tên lửa không đối không R-74M sẽ bù đắp cho khả năng cơ động kém của tiêm kích MiG-31BM bằng cách cho phép nó tấn công những mục tiêu ở các góc độ "cực đoan hơn".
Theo nhà phát triển là Cục thiết kế Công nghệ đặc biệt NPO Kurganpribor, bản sửa đổi mới của tên lửa R-74M được tích hợp động cơ nhiên liệu rắn với vector lực đẩy thay đổi, mang lại cho nó khả năng cơ động đáng kinh ngạc và tầm bắn tối đa lên tới 40 km.
Đầu dẫn đường quang điện tử (GOS) có khả năng phát hiện mục tiêu trong góc bắn 120° và có thể lệch 75° so với vị trí trung tâm. Trong chuyến bay, tên lửa có thể thay đổi mục tiêu đã lựa chọn do sử dụng đầu dò tiên tiến.
Như vậy, giờ đây tất cả các tiêm kích đánh chặn tầm cao MiG-31BM đã có cơ hội cận chiến với máy bay chiến đấu cơ động hơn, UAV, tên lửa hành trình và đạn đạo. Ngoài ra nó có khả năng tấn công những mục tiêu này mà không phải thay đổi trạng thái bay.
Theo đặc tính kỹ thuật được công bố, tên lửa R-74M có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao từ 20 mét đến 20 km và tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các loại bẫy điện tử - điều rất quan trọng hiện nay.
Một số chuyên gia quân sự Nga khẳng định rằng loại vũ khí này giúp tăng đáng kể khả năng của tiêm kích đánh chặn MiG-31BM. Theo truyền thống, vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết về sản phẩm này trên các phương tiện truyền thông.
Tên lửa R-74M lần đầu tiên được giới thiệu tại Diễn đàn Army 2018, nhưng khi đó sự xuất hiện của nó không thu hút nhiều sự chú ý. Sau đó, thông tin xuất hiện trên báo chí Nga cho biết loại đạn không chiến này đã được Bộ Quốc phòng đặt hàng.
Theo thông báo, tên lửa R-74M đã được các phi công hàng không hải quân sử dụng lần đầu tiên trong cuộc tập trận được tổ chức tại bán đảo Kamchatka vào năm 2020.
Với sự trợ giúp của tên lửa R-74M, tiêm kích MiG-31BM đã đánh chặn thành công một tên lửa hành trình chống hạm được phóng đi từ tổ hợp phòng thủ bờ biển, nhưng chưa rõ loại đó là gì.
Điều đáng chú ý là tiêm kích MiG-31BM chủ yếu được thiết kế để tác chiến tầm xa. Nhưng ngày nay nó có thể gặp những đối thủ như máy bay không người lái và tên lửa tốc độ cao. Để đối phó thách thức mới, nó cần một bộ vũ khí vạn năng.
Trước đó, giới chức quân sự Nga cũng lưu ý rằng trong tương lai, các trực thăng Ka-52M và Mi-28NM cũng sẽ nhận được tên lửa R-74M để chống lại các mục tiêu trên không có tính cơ động cao, bao gồm cả máy bay chiến đấu.
Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện bất cứ thông tin nào về việc sử dụng tên lửa R-74M trong các hoạt động chiến đấu của trực thăng vũ trang Nga.