Techfest Lạng Sơn 2019 – Tiềm năng và khát vọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Lạng Sơn), thu hút hàng nghìn lượt người tham dự. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm, nhằm tạo điều kiện cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm và thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của tỉnh.

Kết nối thúc đẩy tiềm năng

Techfest Lạng Sơn diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2019 (thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” – Đề án 844).

Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ và các đại biểu trong Techfest Lạng Sơn 2019

Sự kiện gồm các hoạt động chính: Tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương”, Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại kinh tế trí thức và Cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Diễn đàn học nghề và khởi nghiệp; Vòng chung khảo cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh tọa đàm, sự kiện còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của gần 30 dự án tham gia giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu, mang sản phẩm của doanh nghiệp đến gần hơn với các nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ chương trình, tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương”, các đại biểu nhấn mạnh Lạng Sơn đang có sự ủng hộ và quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, từ đó kết nối hiệu quả các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và quan trọng hơn nữa là có điều kiện thu hút được vốn đầu tư cho startup.

Là một trong những hoạt động chính của Techfest Lạng Sơn 2019, vòng chung khảo cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy tụ 6 dự án tiềm năng đã vượt qua hơn 50 dự án khác. Ban giám khảo cuộc thi là đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, cơ quan quản lý, quỹ Vietnam Silicon Valley Accelerator và nhiều chuyên gia khởi nghiệp sáng tạo.

Khởi nghiệp từ đặc sản địa phương

Để minh chứng các startup địa phương có thể thành công từ đặc sản của vùng, các đại biểu đã giới thiệu hai startup là Hamona Coconut và YesHue. Đây đều là hai doanh nghiệp khởi phát ý tưởng từ việc phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương của mình như dừa tươi hay gia vị hoàn chỉnh cho món bún bò Huế thành các sản phẩm cao cấp, chất lượng bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Cho đến thời điểm hiện tại cả Hamona Coconut và YesHue đều trở thành các startup được định giá triệu đô.

Đại diện mô hình app Shipper - sell nhận cam kết đầu tư

Các dự án được đánh giá cao ở tính sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới để có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới. Điểm đặc biệt, ba trong số bốn giải cao nhất đều thuộc về các dự án sản phẩm từ đặc sản địa phương. Trong đó, dự án “Sản phẩm xà phòng Hương Hồi” của tác giả Liễu Văn Toàn (Trường THPT Văn Quan) đã xuất sắc vượt qua các dự án khác để giành chiến thắng tại vòng chung khảo. Giải nhì thuộc về Dự án phát triển thực phẩm an toàn từ bún ngô mang thương hiệu Thuận Anh của tác giả Bế Thị Lan Anh (Thôn Bình Chương I, xã Đình Lập, huyện Đình Lập). Hai giải ba của cuộc thi là Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu một số món ăn chế biến từ khoai lang Lộc Bình của nhóm tác giả Vi Hoàng Lan - Lê Thị Hiền - Vi Thị Hồng Nhung - Lành Thanh Tùng (Trường THPT Lộc Bình) và Dự án sàn giao dịch vận tải kết nối doanh nghiệp/ cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa với xe tải ứng dụng điện thoại IZIVAN của Công ty TNHH Công nghệ đầu tư IZIVAN (46 Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn).

Chương trình cũng trao giải phụ như giải sáng tạo thuộc về ý tưởng điều khiển thiết bị qua Internet, máy cắt cỏ và làm cỏ lúa chạy điện. Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm bánh truyền thống của Thôn Phổng cùng ý tưởng sản xuất rau an toàn bằng phương pháp thủy canh cũng đạt giải tiêu chí hiệu quả. Giải tiêu chí khả thi thuộc về ý tưởng bệnh viện thú cảnh Lạng Sơn và Phân dơi Tân lập - Báu vật của thiên nhiên cho phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Ý tưởng mô hình trồng cây măng tây xanh tại xã Đình Lập và ý tưởng xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết hợp khai thác giá trị từ cây sim đã giành được giải tiêu chí chiến lược.

Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, nhiều dự án đã nhận được cam kết đầu tư từ các doanh nghiệp. Dự án mô hình kinh doanh ứng dụng App kết nối giữa doanh nghiệp và người giao hàng (Shipper - sell) và dự án mô hình dịch vụ leo núi và lưu trú homestay là 2 startup giành giải khuyến khích. Trong đó, Dự án Shipper - sell nhận được cam kết đầu tư của công ty TNHH TMXD Thiên Phú với 20.000 USD và mức đầu tư 10.000 USD của Công ty TNHH tư vấn Đầu tư và Sở hữu trí tuệ Interfive.

Từ tỉnh thành miền núi phía Bắc, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn đã và đang lan tỏa tích cực tinh thần khởi nghiệp, trở thành nơi kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Đây cũng là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tham gia học hỏi kinh nghiệm và thể hiện kiến thức về lĩnh vực khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.

Techfest Lạng Sơn 2019 nằm trong mạng lưới các sự kiện khởi nghiệp trong nước. Tiếp sau sẽ là Techfest Vùng Tây Nguyên 2019 tại Lâm Đồng, Impact Techfest 2019 tại Phú Thọ, Techfest Đồng bằng sông Cửu Long 2019 tại Cần Thơ, Techfest Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ 2019…

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/techfest-lang-son-2019-tiem-nang-va-khat-vong-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-126040.html