Tây Bắc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách miền Nam
Đó là nhận định chung của nhiều thành viên đoàn khảo sát sản phẩm du lịch mới vừa thực hiện chuyến đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương liên kết khu vực Tây Bắc mở rộng năm 2023.
Sức hấp dẫn rất lớn
Anna Trần liên tục dùng điện thoại để chụp ảnh, quay phim khi chiếc xe chở cô và người cùng đoàn chạy qua những nẻo đường Tây Bắc. Cô là Tiktoker nổi tiếng với những clip “triệu view” cùng đoàn doanh nghiệp, cơ quan quan quản lý du lịch, người làm truyền thông… từ thành phố Hồ Chí Minh khảo sát tour tuyến mới trong chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023.
“Từ góc nhìn của du khách miền Nam, em thấy cảnh sắc nơi đây chỗ nào, góc nào cũng đẹp. Chiếc ô tô leo chênh vênh trên sườn những ngọn núi cao nhất, phía dưới là những dòng sông, ruộng bậc thang. Sau hành trình vất vả, khi xe dừng lại, du khách như được “bù đắp” bằng góc nhìn thoáng rộng từ trên cao, bao trọn tầm mắt là mây, núi, cánh đồng, thung lũng và nhà cửa với cỏ xanh, nắng vàng, hoa muôn màu khoe sắc… rất đáng để trải nghiệm”, Anna Trần nói.
Không chỉ Anna Trần có cảm xúc như vậy khi đến Tây Bắc. Trương Đức, một bạn trẻ 2K mới vào nghề du lịch tại Huế được 2 năm nay, chia sẻ: “Du khách từ Huế đặt tour lên Tây Bắc ngày một nhiều. Họ tìm thấy ở đó những nét hoang sơ, khung cảnh hùng vĩ, con người hồn nhiên, nhân hậu. Đường đi có khó khăn một chút, nhưng lại tạo cảm giác “mạnh” với những người thích trải nghiệm, khám phá. Nhìn chung, Tây Bắc vốn và sẽ có sức hấp dẫn rất riêng với du khách nói chung và du khách miền Nam nói riêng”.
Năm 2023 là năm thứ 3, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình) phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá du lịch và đưa khách của nhau đến các địa phương trong khối trong khuôn khổ phát triển “Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2021- 2025”. Chương trình đạt nhiều kết quả rất khả quan.
Đơn cử, chỉ tính riêng trong 6 năm 2023, nhóm hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong khối liên kết đã tổ chức 14/25 hoạt động theo kế hoạch, thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng. Các hoạt động phát triển du lịch cũng góp phần để các địa phương Tây Bắc bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng sâu, vùng xa…
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch G7 có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ hơn 70 doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn của cả nước, thông tin: Không chỉ có du lịch khám phá đơn thuần, du khách phía Nam và nhất là du khách nước ngoài ngày càng mong muốn tìm được thêm những điều thú vị từ Tây Bắc, như thám hiểm thiên nhiên hoang sơ, những chuyến đi xuyên rừng rậm, leo núi cao, các đoàn xe caravan du khảo…
“Tây Bắc có đủ các điều kiện để các bên phối hợp tổ chức các tour tuyến dạng này”, ông Trương Đức Hải nhấn mạnh.
“Có Cần và Đủ, sẽ còn phát triển”
Đó là nhận định của ông Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Đà Nẵng. Theo ông Hoàng, nhiều người vẫn nghĩ điều kiện đường xá đi lại khó khăn ở Tây Bắc sẽ tạo “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch, nhưng trên thực tế, nhiều du khách không cho là vậy.
“Du khách chọn các tour khám phá thiên nhiên Tây Bắc là đã xác định trước những khó khăn về giao thông. Điều họ mong chờ là ở mỗi điểm dừng trên tuyến, mỗi cuối ngày ở nơi nghỉ hay cuối con đường có điểm đến, họ được thư giãn, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn hậu, cơ sở vật chất đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, nghỉ… Một số điểm đến ở Tây Bắc còn thiếu điều này. Nếu được hoàn thiện, du khách sẽ hài lòng hơn, đến nhiều hơn”, ông Huỳnh Việt Hoàng nói.
Chúng tôi đã khảo sát thực tế nhận xét của ông Hoàng và nhận được phản hồi đồng nhất từ du khách. Tại điểm đến Bản Luốc chênh vênh trên núi cao giữa vùng lõi danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ở Hà Giang, đôi bạn trẻ Trương Hữu Khánh và Trần Diệu Nhi từ thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Bắc, thuê xe máy lên đỉnh núi để ngắm ruộng bậc thang.
“Nơi này quá đẹp. Tụi em mất nhiều giờ đồng hồ đi xe máy trên những con đường ngoằn ngoèo, chênh vênh để có thể đến đây vào giữa trưa. Cảnh đẹp khiến cả hai quên đi mệt nhọc, nhưng đồ ăn ở quán chưa chín hẳn, nhà vệ sinh có cửa hướng ra đúng khu vực ăn uống, ngồi bên ngoài có thể quan sát bên trong, rất bất tiện. Mong sao những điểm nhỏ đó được hoàn thiện để du khách như em không bị mất đi cảm hứng, ấn tượng đẹp với nơi này”, Diệu Nhi nói.
Còn Anna Trần nhận xét: Cả mấy tỉnh đều lấy thế mạnh ruộng bậc thang để quảng bá. Đứng từ góc độ người tham gia truyền thông quảng bá du lịch, cô mong mỗi địa phương sẽ tìm ra thế mạnh và sự độc đáo của riêng mình để thu hút du khách.
“Trong lĩnh vực này, Sapa của Lào Cai có cách làm rất riêng và độc đáo, tạo sức hấp dẫn lớn. Nhưng nếu du khách tại bản Cát Cát yêu thích việc mặc trang phục các dân tộc của Việt Nam hơn là mặc đồ của người Mông Cổ để chụp ảnh check-in bên những chú ngựa ven suối, mọi sự sẽ còn tuyệt vời hơn”, Anna Trần nói.
Bàn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh, thông tin: Yên Bái đang lựa chọn những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc anh em, món ăn mang đặc trưng phong vị bản địa… để gắn những câu chuyện với các sản phẩm du lịch, tạo nên nét đặc trưng của địa phương.
Nữ Phó Giám đốc Sở, vốn là cô giáo, nói: “Thử tưởng tượng xem, chúng ta ngồi quanh bếp lửa bập bùng trên nhà sàn nhìn ra những triền núi tím dần trong hoàng hôn. Những người bản địa hoặc hướng dẫn viên kể câu chuyện nhuộm xôi ngũ sắc bằng các loại lá cây; bàn về ruộng bậc thang đẹp nhất mùa lúa chín hay mùa nước đổ, sẽ hấp dẫn biết bao. Chúng tôi mong đó sẽ là một trong những món “quà tặng đặc biệt” của địa phương đến du khách sau mỗi ngày hành trình; để du khách còn mong quay lại nghe tiếp những câu chuyện khác”.