Video được kênh Rossiya-24 của Nga công bố gần đây cho thấy tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo K-114 Tula và tàu ngầm hạt nhân tấn công K-157 Vepr neo đậu ở trạng thái nổi tại quân cảng ở Gadzhievo, tỉnh Murmansk.
Trong video, trên tháp chỉ huy của tàu Tula có kết cấu giống giáp lồng chống máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone), vốn được sử dụng lắp trên nhiều xe tăng, thiết giáp và phương tiện cơ giới tham gia xung đột Nga - Ukraine.
"Đây dường như là lần đầu tiên giáp lồng chống drone kiểu này được lắp trên tàu ngầm. Điều này nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng và phổ biến từ drone, thứ vũ khí không chỉ riêng lực lượng vũ trang Nga phải đối mặt", biên tập viên Joseph Trevithick của TWZ nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định kết cấu trên nóc tháp chỉ huy tàu ngầm K-114 Tula cũng có thể là một phần của tấm che nắng hoặc được sử dụng cho mục đích khác.
Chưa rõ kết cấu này sẽ ra sao khi tàu lặn xuống. Trevithick nhận định thiết kế hợp lý nhất là bộ phận nói trên có thể dễ tháo ra khi cần, thay vì hàn chết vào thân tàu.
Được mệnh danh là một trong những sát thủ đại dương, K-114 Tula có khả năng hủy diệt cả một đất nước trong vài giờ với kho vũ khí hạt nhân mang theo khủng khiếp của mình.
K-114 Tula thuộc lớp tàu ngầm nguyên tử Delta IV đã chính thức trở lại biên chế quân đội Nga vào năm 2023 sau thời gian nâng cấp.
Được biên chế vào năm 1987, tàu ngầm K-114 Tula là chiếc thứ 4 thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược liên lục địa thuộc Đề án 667BDRM(Delta IV).
Hải quân Liên Xô đã nhận được tổng cộng 7 tàu ngầm Đề án 667BDRM(Delta IV) từ năm 1984 đến 1990.
Mỗi tàu lớp Delta IV có lượng choán nước khi lặn khoảng 15.500 tấn và là một trong số những tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới.
Mỗi tàu ngầm có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RMU Sineva.
Với khả năng mang tối đa 10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 150-500 kT, tên lửa R-29RMU Sineva có thể hủy diệt cả một quốc gia nhỏ.
R-29RMU Sineva thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn. Tầm bắn từ 8.300-12.000 km tùy thuộc vào tải trọng đầu đạn.
Loại tên lửa này có chiều dài 14,8 m, đường kính 1,9 m và trọng lượng 40 tấn. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu bằng quán tính và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga.
Tên lửa được đưa vào phục vụ trong hải quân Nga từ năm 2007, dự kiến phục vụ đến năm 2030.
Tàu ngầm được trang bị một cặp lò phản ứng nước áp suất VM-4SG (PWR). Nước trong PWR là chất làm mát, sau khi được làm nóng được chuyển thành hơi nước để chạy các tua-bin sản xuất điện.
Hơi nước sau đó được ngưng tụ lại thành nước lỏng và đưa trở lại hệ thống làm mát của lò phản ứng.
"Lò phản ứng có thể hoạt động liên tục trong vòng 10 năm, sử dụng lượng uranium với thể tích tương đương một cái xô nhỏ", ông Andrey Leonov, trưởng ngành động lực của tàu ngầm K-114 Tula, cho hay.
Phần lớn thiết bị trên tàu ngầm được sơn màu vàng, trong khi khoang động cơ dùng sơn trắng để tránh hấp thụ nhiệt và bảo đảm sạch sẽ.
Theo Global Firepower, tính đến năm 2021, Nga đứng thứ 3 trong danh sách nước có hạm đội tàu ngầm quy mô lớn nhất thế giới với 64 chiếc, sau Mỹ (68) và Trung Quốc (79).
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện vẫn được xem là khá non trẻ và còn nhiều thiếu sót về thiết kế không thể so sánh với Nga và Mỹ.
Vì vậy, theo Popular Mechanics, Mỹ và Nga hiện là 2 thế lực hàng đầu về tàu ngầm trên thế giới.
Cuộc cạnh tranh về tàu ngầm hạt nhân của hai cường quốc này đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.