Tàu không người lái tự sát của Ukraine nguy hiểm thế nào?

Trong thời gian qua, Ukraine đã đẩy mạnh việc sử dụng tàu không người lái (USV) tự sát để tấn công các mục tiêu của Nga trên khu vực Biển Đen; vậy loại USV của Ukraine nguy hiểm như thế nào?

Theo môt blogger quân sự của Nga đăng trên Telegram, phía Nga đã thu giữ hoàn toàn một trong những tàu không người lái (USV) mới nhất của Ukraine, có ký hiệu MAGURA V5 ở phía tây bán đảo Crimea.

Đây là chiếc tàu không người lái tự sát thứ hai bị quân đội Nga thu giữ, sau khi chiếc thứ nhất cũng bị quân đội Nga thu giữ vào năm ngoái ở Sevastopol và cả hai chiếc USV đều còn nguyên vẹn, để Quân đội Nga “nghiên cứu”.

Tuy nhiên, cho đến nay, cả Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga đều không bình luận gì về vấn đề này; nhưng thông tin này được trang web "War Zone" của Mỹ đưa tin và trên các trang mạng xã hội cũng có những thông tin này.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, năng lực hải quân vốn tương đối hạn chế của Ukraine đã nhanh chóng bị Nga phá hủy. Một số tàu chiến ít ỏi của Ukraine thậm chí còn tự đánh chìm để khỏi rơi vào tay Nga.

Nhưng với hệ thống tên lửa bờ đối hạm Neptune (Thần biển) và các phương tiện chiến đấu mặt nước không người lái chứa đầy chất nổ, Ukraine vẫn còn nhiều "quân bài tốt" và tổ chức tấn công một số tàu chiến Nga.

Hiện nay, tàu không người lái cảm tử hiện là loại tàu duy nhất ở Ukraine có thể hoạt động trên mặt nước, thường được sử dụng để tấn công các tàu chiến Nga ở gần bờ và các cơ sở hạ tầng ngoài khơi như cầu vượt biển, căn cứ hải quân...

Vào tháng 9/2022, một chiếc USV tự sát của Ukraine lần đầu tiên được phát hiện mắc kẹt ở Sevastopol, đây là lần đầu tiên người ta có cái nhìn đầy đủ về loại vũ khí bí ẩn này của Ukraine. Nhưng rõ ràng, phiên bản USV đầu tiên được chụp vào thời điểm đó, có ngoại hình rất khác so với phiên bản mới được chụp lần này.

Theo trang web “War Zone” của Mỹ, chiếc tàu không người lái tự sát của Ukraine bị Nga thu giữ lần này, là phương tiện mặt nước không người lái hiệu MAGURA V5, do công ty SpetsTechnoExport của Ukraine sản xuất.

Theo một số thông tin, đây là tàu mặt nước không người lái dài 5,5 mét, có thân tàu thuôn dài. Tàu sử dụng động cơ đẩy phản lực nước, tầm hoạt động 450 hải lý, tốc độ hành trình 22 hải lý/giờ, tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ.

Tàu Magura V5 sử dụng thiết kế bán chìm, khi di chuyển chỉ nổi cách mặt nước khoảng nửa mét và áp dụng thiết kế tàng hình nhất định, do vậy radar của tàu chiến Nga khó phát hiện loại USV này trong điều kiện khí tượng biển phức tạp.

Tàu Magura V5 có tải trọng 320 kg và có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cảm tử khi được nạp thuốc nổ. Tàu được điều khiển thông qua liên lạc vô tuyến và chuyển tiếp trên không/vệ tinh, v.v. và có thể hoạt động ở vùng biển xa bờ.

Tàu không người lái MAGURA V5 đã được ra mắt công khai tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (IDEF) ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm nay. Kể từ đó, một số video đã chiếu cảnh chiếc thuyền nguyên mẫu đang được thử nghiệm.

Tuy nhiên, xem xét từ chiếc USV MAGURA V5 bị Nga bắt sống lần này, có những khác biệt nhất định trong các bộ phận mà chúng mang theo; không giống như chiếc tàu trưng bày trong triển lãm ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.

Ví dụ, chiếc tàu nguyên mẫu có cảm biến hồng ngoại hướng về phía trước (FLIR) có khả năng quan sát ngoại vi 360°; nhưng chiếc tàu không người lái bị bắt lần này, không có thiết bị này và chỉ có một lỗ lắp hình tròn, có thể bị hỏng hoặc được tháo ra.

Chiếc USV bị Nga bắt trước đó có hệ thống liên lạc vệ tinh băng thông cao được lắp đặt ở phía sau, giống như một chiếc bàn nhỏ. Chiếc USV bị bắt lần này có ba "bàn nhỏ", có thể là ăng-ten liên lạc vệ tinh với ba băng thông khác nhau hoặc ăng-ten vô tuyến để điều khiển tự động.

Thiết kế này của chiếc USV MAGURA V5 cho thấy, chiếc tàu nó có nhiều khả năng hơn các phiên bản USV trước đó về hiệu suất. Ví dụ, vào tháng 8 năm nay, một tàu đổ bộ lớp Toad của Nga đã bị một chiếc USV của Ukraine tấn công, lúc này đang cách bờ biển do Ukraine kiểm soát khoảng 675 km.

Còn theo kênh YouTube AiTelly, đã đăng video cho thấy cấu tạo của một chiếc USV từng được Ukraine dùng để tấn tàu chiến Nga ở Biển Đen. Trong đó Ukraine lấy động cơ của một mẫu mô tô nước thông dụng trên thị trường làm động cơ cho chiếc xuồng tự sát có tên "SeaBaby".

Với việc sử dụng động cơ đẩy phản lực nước, sẽ hút nước từ phía trước để tạo lực đẩy về phía sau, giúp tàu không người lái tự sát SeaBaby có thể di chuyển với tốc độ hơn 80km/h.

Với giá thành sản xuất 250.000 USD một chiếc USV SeaBaby, nhưng được dùng để tấn công các mục tiêu có giá trị hàng trăm triệu USD của Hải quân Nga trên Biển Đen; những chiếc USV của Ukraine trở thành vũ khí “bất đối xứng” trên biển, mà Nga phải “e dè”.

Theo hãng tin Ukrainska Pravda vào ngày 14/9, hải quân Ukraine dùng một chiếc USV tự sát, tấn công vào một tàu đệm khí tên lửa lớp Samum của Nga gần lối vào Vịnh Sevastopol. Chiếc USV đâm vào phía sau bên phải tàu, khiến tàu bị mất điện. Các nguồn tin của Pravda cho biết, phía Nga đã phải kéo tàu Samum đi sửa chữa "khi đuôi tàu bị nghiêng sang mạn phải".

Tiến Minh (theo WarZone, Pravda, Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tau-khong-nguoi-lai-tu-sat-cua-ukraine-nguy-hiem-the-nao-1927405.html