Tàu chiến đắt nhất lịch sử Hải quân Mỹ chính thức trực chiến

Tàu chiến đắt nhất lịch sử Hải quân Mỹ - hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) đã được đưa vào thành phần tác chiến.

Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) - tàu chiến đắt nhất lịch sử - gần 15 năm sau khi khởi công đóng mới đã chính thức làm nhiệm vụ chiến đấu trong thành phần của Hải quân Mỹ.

Mặc dù quá trình chế tạo đã hoàn thành vào giữa năm 2017, đồng thời việc hạ thủy con tàu diễn ra từ cuối năm 2013, nhưng do tính chất phức tạp của những bài thử nghiệm mà phải đến thời điểm hiện tại, chiếc hàng không mẫu hạm này mới được chấp nhận đưa vào biên chế.

Chiếc chiến hạm đắt nhất lịch sử Hải quân Mỹ nói riêng cũng như thế giới nói chung đã trải qua một chặng đường khó khăn. Trong suốt quá trình chế tạo, các kỹ sư thực sự bị ám ảnh bởi những thất bại với mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Nhà thiết kế đã trang bị cho con tàu nhiều hệ thống chiến đấu mới, đáp ứng các tiêu chuẩn và công nghệ phức tạp nhất. Trong đó có một trạm radar tinh vi, thang máy đặc biệt để đưa máy bay từ hầm chứa lên boong, đi kèm máy phóng điện từ độc đáo.

Nhưng kế hoạch đã bị thách thức nghiêm trọng vào năm 2018, khi con tàu gặp sự cố nghiêm trọng với hệ thống động lực, bao gồm cả máy phát điện và lò phản ứng hạt nhân.

Một thời gian sau, hệ thống thang máy hiện đại và máy phóng điện từ "độc nhất vô nhị" lại cũng để lộ một vài khiếm khuyết. Kết quả là con tàu vốn được cho là soái hạm của Hải quân Mỹ suýt nữa bị biến thành một đống sắt vụn vô dụng và cực kỳ đắt đỏ.

Trong các cuộc thử nghiệm từ năm 2017 đến năm 2019, hơn 20 lỗi kỹ thuật trong hoạt động của máy phóng dựa trên động cơ điện từ tuyến tính đã được ghi nhận. Thiết bị này được thiết kế để phóng máy bay từ đường băng của tàu sân bay một cách trơn tru và nhanh chóng.

Mặc dù thực tế là với những hỏng hóc này, thiết bị và nhân sự không bị ảnh hưởng, nhưng sự cố trên đã dẫn đến việc giảm đáng kể số lần cất cánh theo kế hoạch. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh chiến đấu của con tàu.

Tất nhiên con tàu không dễ dàng bị loại bỏ như vậy. Một số tiền khổng lồ đã được đầu tư để hoàn thành nó. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, tổng chi phí đóng tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã vượt quá 13 tỷ USD.

Đây là giá của một con tàu có máy bay chiến đấu hoạt động trên boong và cần biên đội tàu hộ tống, kể cả tàu ngầm hạt nhân đi kèm. Tổng chi phí rút cuộc đã bị đội lên rất nhiều.

Đi vào biên chế, tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ đảm nhiệm vai trò hạt nhân hạm đội. Hiện tại, việc đóng con tàu thứ hai thuộc lớp mang tên John F. Kenedy (CVN-79) đang được tiến hành.

Dự kiến chiếc hàng không mẫu hạm nói trên này sẽ được biên chế vào Hải quân Mỹ trong vòng 5 - 6 năm tới. Tổng cộng, giới chức quân sự Mỹ lên kế hoạch đóng ít nhất 3 tàu sân bay thuộc lớp này.

Những tàu sân bay lớp Gerald R. Ford sẽ thay thế dần cho lớp Nimitz đã tương đối cao tuổi, giúp duy trì sức mạnh tuyệt đối của Hải quân Mỹ trên các đại dương.

Chủ lực của phi đội không quân trên tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ là tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35C Lightning II, thay thế cho dòng F/A-18 Hornet thuộc thế hệ thứ tư.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tau-chien-dat-nhat-lich-su-hai-quan-my-chinh-thuc-truc-chien-post501440.antd