Tất cả vì mục tiêu cứu sống bệnh nhân

Ở Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), phần lớn bệnh nhân vào cấp cứu đều là những ca bệnh nặng, cấp tính, hôn mê, liệt nửa người, tỷ lệ chăm sóc hộ lý cấp I cao hơn 50%, số lượng bệnh nhân đông; tính chất bệnh lý phải chẩn đoán nhanh, chính xác, có quyết định đúng, kịp thời, đòi hỏi các bác sĩ cũng như điều dưỡng viên phải được đào tạo chuyên sâu, có thái độ phục vụ hết sức trách nhiệm.

Để có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Thượng tá, TS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, cho biết: “Lãnh đạo, chỉ huy trung tâm luôn phát huy hết trách nhiệm, bám sát, hướng dẫn các bác sĩ trẻ trong khoa cả về chuyên môn, kỹ thuật cũng như tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày; động viên, khơi dậy lòng yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin của đội ngũ bác sĩ trẻ trong công việc; phát huy tính chủ động của điều dưỡng, tổ chức cho điều dưỡng làm việc theo nhóm, có đội ngũ cử nhân điều dưỡng kiểm tra giám sát chặt chẽ, từng cá nhân thực hiện nghiêm bản mô tả công việc hằng ngày. Với nỗ lực và cách làm đó, tổng số bệnh nhân thu dung điều trị tăng gấp đôi sau 5 năm, năm 2015 thu dung 1.469 bệnh nhân thì đến năm 2020 thu dung 3.061 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân trong thời gian "vàng", điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học cũng tăng đáng kể, sau 5 năm tăng từ 5% (năm 2015) lên 19% (năm 2020)”.

 Bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Đột quỵ não tận tâm chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Đột quỵ não tận tâm chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Với phương châm “khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo và quyết thắng, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực tự cường trong thực hiện nhiệm vụ”, những năm qua, trung tâm có nhiều sáng kiến trong luân chuyển bệnh nhân để bảo đảm giường thu dung, đáp ứng nhu cầu cấp cứu các bệnh nhân đột quỵ bằng những biện pháp cụ thể, như: Hiệp đồng chặt chẽ với các khoa trong bệnh viện để chuyển bệnh nhân nhẹ cũng như sẵn sàng nhận lại bệnh nhân đột quỵ nặng của các khoa chuyển đến; xây dựng mối quan hệ, hiệp đồng với các tuyến, sẵn sàng nhận bệnh nhân nặng, đột quỵ mới chuyển đến nhưng cũng trả lại các tuyến ngay sau khi cấp cứu bệnh nhân ổn định, qua giai đoạn cấp tính;...

Đặc biệt, trung tâm đã có sáng kiến phối hợp với các khoa: Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch (Viện Tim mạch), Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh và Ngoại thần kinh của bệnh viện tổ chức hoạt động theo nhóm trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não cấp, nhờ đó đã áp dụng được các kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, chuyên sâu. Đến nay, Trung tâm Đột quỵ não xây dựng được mô hình nhóm cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ cấp tương đối hoàn chỉnh trong toàn quốc. Nhờ mô hình làm việc theo nhóm, chỉ trong thời gian ngắn, trung tâm đã rút ngắn đáng kể thời gian bệnh nhân đột quỵ đến viện được can thiệp điều trị đặc hiệu chỉ mất khoảng 60 phút, theo đúng khuyến cáo của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ. Những cố gắng trên của cán bộ, nhân viên trung tâm chỉ với mục tiêu duy nhất “cứu sống bệnh nhân đột quỵ não trước tử thần”.

Bài và ảnh: LINH CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tat-ca-vi-muc-tieu-cuu-song-benh-nhan-627678