Tập trung truyền thông phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm
Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH tỉnh Thái Bình gặp không ít khó khăn, nhưng được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT được chú trọng, triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.
Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH tỉnh Thái Bình gặp không ít khó khăn, nhưng được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT được chú trọng, triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.
Nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ
Theo báo cáo của BHXH Thái Bình, dự kiến hết năm 2020, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là khoảng 160,8 tỷ đồng, chiếm 3,48% so với kế hoạch. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên hầu hết các doanh nghiệp, tập trung ở các doanh nghiệp ngành dệt, may, sản xuất vật liệu xây dựng… có số lượng lao động lớn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, lao động mất và thiếu việc làm; các lĩnh vực hoạt động giao thông, thương mại, dịch vụ hoạt động kém hiệu quả; thu nhập của phần lớn người dân giảm… Thống kê cho thấy, số lao động hưởng trợ cấp BH thất nghiệp của địa phương tăng 44,6%, số người hưởng BHXH một lần tăng 15% so cùng kỳ năm trước; số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm mạnh so với năm 2019.
Theo Phó Giám đốc BHXH Thái Bình Nguyễn Thị Hồng Ngọc, điều này đã làm công tác phát triển BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gặp nhiều khó khăn và khó đạt chỉ tiêu được giao; tình hình nợ đọng tại các doanh nghiệp chưa được cải thiện; quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người tham gia bị ảnh hưởng. Chia sẻ về những khó khăn, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho biết, đầu năm 2020, BHXH Việt Nam giao kế hoạch thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho tỉnh là 4.619,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và thu nhập của người dân, dẫn đến số đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm mạnh so năm 2019. Nhà nước không tăng lương cơ sở cho nên việc thực hiện công tác thu dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng (giảm 119 tỷ đồng so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao đầu năm, giảm 80 tỷ đồng so với chỉ tiêu phấn đấu 4.580,4 tỷ đồng)… Bên cạnh đó, do đặc thù về cơ cấu đối tượng tham gia BHYT tại Thái Bình đối với đối tượng chính sách xã hội và ưu đãi xã hội chiếm tỷ trọng cao, có tới gần 90% số người tham gia BHYT có mức đóng theo mức lương cơ sở, cho nên giá trị bình quân đầu thẻ BHYT thấp. Việc chỉ định đưa người bệnh vào điều trị nội trú, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc, vật tư y tế rộng rãi, chưa tiết kiệm tại một số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) chậm được khắc phục, ảnh hưởng đến cân đối quỹ trong điều kiện mức đóng BHYT thấp, nguồn quỹ có hạn…
Bám sát chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh giao chỉ tiêu phát triển mở rộng số người tham gia; chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp: phối hợp chặt chẽ với ngành bưu điện; các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, đến từng hộ gia đình, tổ, thôn, rà soát, tập huấn kỹ năng cho nhân viên đại lý thu, phân loại đối tượng, vận động tham gia. Với những khó khăn chung, nhưng trong những ngày cuối năm này, BHXH các cấp đang "chạy đua" với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng, việc thực hiện giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia và thụ hưởng luôn được bảo đảm theo đúng quy định. Ðến thời điểm này, đã giải quyết 81.450 người và lượt người hưởng chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 11.549 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125 lượt người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Ðặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh sớm giao kinh phí KCB BHYT đến các cơ sở KCB trong tỉnh. Năm 2020, BHXH tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT với 41 cơ sở KCB BHYT; thực hiện KCB BHYT tại toàn bộ trạm y tế các xã, thị trấn. Ký quy chế phối hợp với Sở Y tế bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Ước năm 2020, BHXH tỉnh giám định và thanh toán cho 2.554.700 lượt bệnh nhân KCB; chi KCB tại tỉnh 1.490,5 tỷ đồng...
Tập trung truyền thông phát triển đối tượng
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác truyền thông luôn được BHXH Thái Bình chú trọng, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển đối tượng cả loại hình bắt buộc và tự nguyện. Thái Bình là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức công tác rà soát, phân loại đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT để từ đó có các giải pháp tuyên truyền, vận động đối tượng phù hợp. Trong năm, BHXH các cấp phối hợp ngành bưu điện đã đẩy mạnh việc tổ chức hội nghị tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các xã có nhiều tiềm năng và địa bàn có số người tham gia thấp. Làm tốt việc lựa chọn đối tượng, tiếp cận, vận động trước khi mời dự hội nghị, lựa chọn báo cáo viên là người có khả năng thuyết trình tốt. Tập trung tiếp cận đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các thủ tục tham gia, chú trọng vào nhóm tiềm năng là: Chủ và thân nhân hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương người buôn bán nhỏ, người có việc làm thường xuyên tại các làng nghề truyền thống, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đang bảo lưu, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới. Bám sát đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thông báo kịp thời để người tham gia nối hạn thẻ BHYT, đóng tiếp BHXH khi sắp đến hạn để bảo đảm phát triển bền vững người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Mở rộng phát triển các mô hình truyền thông hiện đại trên in-tơ-nét, mạng xã hội, tư vấn vận động qua điện thoại...
Tăng cường truyền thông phát triển đối tượng cũng tiếp tục được BHXH tỉnh Thái Bình xem làm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Bên cạnh đó, BHXH Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ quản lý của ngành; thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, của ngành BHXH và ứng dụng BHXH số (VssID) của BHXH Việt Nam, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với ngành bưu điện quản lý, tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng kịp thời, đầy đủ, an toàn; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế bảo đảm quyền lợi cho người tham gia…