Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào Khmer
Là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua huyện Mỹ Xuyên tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (XDNTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.
Đại Tâm là xã nông thôn vùng ven của huyện Mỹ Xuyên có hơn 84% đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay XDNTM, địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã vượt qua và đến cuối năm 2023, Đại Tâm trở thành xã đầu tiên của huyện xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đồng chí Trần Chín Tâm - Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, có được kết quả đáng tự hào đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các chương trình, kế hoạch XDNTM; đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực từ trên, hỗ trợ của nhân dân trong xây dựng hạ tầng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển, nâng cao thu nhập - đây là một trong những tiêu chí quan trọng, bởi đem lại lợi ích cho chính người dân. Để hiện thực hóa tiêu chí về thu nhập, xã tập trung thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm (giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn hoặc địa phương lân cận), hỗ trợ người dân tham gia các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn kết hợp khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; nâng chất tổ hợp tác, nâng cao mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao… Kết quả, thu nhập bình quân đầu người toàn xã cuối năm 2023 đạt 76,18 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo xã giảm còn 1,64%. Ngoài ra, Đảng ủy, chính quyền xã Đại Tâm đã tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ khác trên địa bàn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, địa phương đã huy động trên 26 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó vốn ngân sách 2 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 3,4 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 16 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp gần 3,8 tỷ đồng.
Với trên 73% dân số là người Khmer, xã Tham Đôn khởi đầu XDNTM vào năm 2010, khi địa phương chỉ có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm trên 31,38%... Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh, huyện, nhất là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Tham Đôn xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2018 và tự tin về đích xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021 với thu nhập bình quân đầu người đạt 54,24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%. Bộ mặt nông thôn của xã “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Đồng chí Tăng Trung Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn khẳng định, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM mà kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thông tin liên lạc thông suốt, đời sống người dân nâng lên, nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, nổi bật như nuôi bò sữa, trồng rau màu kết hợp đa canh đã đem lại thu nhập cao cho đồng bào Khmer trong xã. “XDNTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc bởi mục tiêu mà chương trình đặt ra là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn ngày càng đổi mới và văn minh. Do vậy thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tham Đôn sẽ huy động sức dân và tranh thủ nguồn ngân sách và các nguồn lực khác để XDNTM kiểu mẫu” - đồng chí Tăng Trung Bảo cho biết.
Cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thay đổi rõ nét nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Ảnh: HOÀNG LAN
Huyện Mỹ Xuyên có 10 xã, 1 thị trấn. Trong đó có 4 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 33% dân số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Đảng bộ, chính quyền trong huyện đã tập trung điều hành quyết liệt, vận dụng, lồng ghép có hiệu quả, nguồn vốn, chương trình, dự án và phát huy nội lực của nhân dân cùng XDNTM. Kết quả, đến nay toàn huyện có 8/10 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 2/8 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có ôtô đến trung tâm xã, ấp liên ấp; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; trên 55% bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch sinh hoạt; 100% ấp 4 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư đúng mức, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo con em đồng bào Khmer… Đến cuối năm 2023, huyện Mỹ Xuyên chỉ còn 1,36% hộ Khmer nghèo.
Đồng chí Đặng Văn Phương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh, thành quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp rõ nét, hiệu quả hơn. Từ đó người dân, nhất là bà con Khmer phấn khởi, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ sở, niềm tin để huyện Mỹ Xuyên tiếp tục huy động các nguồn lực nâng chất trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao mà mục tiêu trên hết, trước hết huyện đặt ra là người dân, bà con Khmer phải là đối tượng được thụ hưởng “thực chất” kết quả từ chương trình XDNTM.