Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 15-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị trực tuyến với 19 bộ, ngành và 16 tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên, để đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và 9 huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho 21 đơn vị (10 bộ, cơ quan Trung ương, 11 địa phương) thuộc Tổ công tác số 04 là hơn 47.236 tỷ đồng (chiếm 69% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước).
Đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân của 10 bộ, cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt 59,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, 4 cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
Với Thái Nguyên, năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Thủ tướng giao là trên 5.612 tỷ đồng; lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết ngày 12-11 đạt trên 3.555 tỷ đồng (63,4%).
Tại Hội nghị, đại diện bộ, địa phương nêu một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, như: Nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm; việc triển khai nguồn vốn thu từ đất phụ thuộc vào tiến độ thu ngân sách của các đơn vị, địa phương; khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc do văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nhất là hướng dẫn vốn sự nghiệp thực hiện...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc lưu ý, chỉ còn 45 ngày nữa hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đang rất thấp, để đạt 95% vốn như đã cam kết phải nỗ lực rất lớn, phải làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đầu tư chặt chẽ; tập trung tháo gỡ vướng mắc, các bộ, ngành phải đáp ứng kịp thời yêu cầu của địa phương; quyết tâm hoàn thành khối lượng trước ngày 31/12/2024.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của các tỉnh để điều chỉnh tổng mức đầu tư, thủ tục đầu tư, chuyển nguồn, tháo gỡ thủ tục đầu tư có vướng mắc, tham mưu bố trí vốn bổ sung cho các dự án để hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Bộ Tài chính tháo gỡ về nguồn vốn ODA, bố trí vốn, điều chỉnh vốn đầu tư khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.