Tạo niềm tin, điểm tựa pháp lý cho các nhà khoa học trong nghiên cứu
Sáng 9/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, các ý kiến cho rằng luật phải tạo niềm tin, điểm tựa pháp lý cho các nhà khoa học trong nghiên cứu; đảm bảo tính dự báo, linh hoạt để phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật về cơ bản đã bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 57-NQ/TW; tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật thể chế hóa chủ trương thu hút đầu tư tư nhân cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp
Dự thảo Luật đã kế thừa toàn diện các quy định trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nghị quyết số 193/2025/QH15 (từ Điều 3 đến Điều 9), đồng thời đã có các quy định thông thoáng, mạnh mẽ, đột phá hơn; đã được rà soát, bảo đảm tính thống nhất với các luật, trong đó có các dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp rà soát để thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết của Đảng trong dự thảo Luật này, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các loại rủi ro, chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định rủi ro, quy trình đánh giá, cơ chế bảo vệ người thực hiện, người quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Điều chỉnh tỷ lệ trích quỹ là 20% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy năng lực nội sinh
Về quy định miễn trừ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định miễn trừ trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước; liên quan đến ngân sách nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp nhà nước. Đối với thiệt hại gây ra cho người dân sẽ tùy tính chất, mức độ, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại sẽ phải tự đền bù theo quy định của pháp luật về dân sự và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hay hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ chiến lược (Điều 36), tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư, hợp tác và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp để phát triển công nghệ chiến lược quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 36 như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu dùng chung; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu dùng chung để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia khai thác, vận hành.
Về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 64); quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp (Điều 65), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, tại dự thảo Luật đã quy định phân cấp cho bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế để thành lập Quỹ; chỉ định cơ quan quản lý Quỹ và tự quyết định việc cấp kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm hiệu hiệu lực, hiệu quả. Do đó, xin được giữ quy định như dự thảo Luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 65 điều chỉnh tỷ lệ trích quỹ cho phù hợp với Nghị quyết số 68-NQ/TW là 20% tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, khoản 2 và khoản 3 Điều 65 cũng đã bổ sung nhiều nội dung về việc sử dụng Quỹ, tăng quyền chủ động cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng Quỹ hiệu quả.
Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2025 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm sớm phát huy có hiệu quả các quy định của Luật này thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Bên cạnh đó, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất một số quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin tiếp thu ý kiến ĐBQH và hoàn thiện quy định chuyển tiếp tại Điều 74 dự thảo Luật.
Tạo niềm tin, điểm tựa pháp lý cho các nhà khoa học
Trong khuôn khổ phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đóng góp vào các nội dung: Tăng cường chính sách khuyến khích và hỗ trợ ở trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm rõ “ranh giới” giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Với mong muốn luật có tính chất bứt phá, đột phá hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Nghị quyết 57 - NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phải được thể hiện bằng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt chú ý tính dự báo, linh hoạt để phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan lưu ý tăng cường chính sách khuyến khích và hỗ trợ trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu chưa đủ, chưa hoàn thiện thì sau phiên họp này, Ban soạn thảo phải bổ sung đầy đủ. Đồng thời chú trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước để sửa luật, không để lạc hậu so với tình hình thế giới. Cùng với đó, cần tiếp tục định nghĩa rõ ràng khái niệm công nghệ số, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, để tránh hiểu lầm.
Đánh giá cao quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị, cần phải làm rõ “ranh giới” giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật để tránh lạm dụng, gây thất thoát lãng phí, nhưng cũng phải tạo niềm tin, điểm tựa pháp lý cho các nhà khoa học.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, trong nghiên cứu khoa học thì có thử, có sai. Chúng ta phải làm sao để các nhà khoa học cảm thấy tự tin, miễn là trong sáng, nghiên cứu hết mình và nghiên cứu đúng các quy định pháp luật, tạo ra sức mạnh đột phá trong nghiên cứu.
Về thử nghiệm có kiểm soát, đây cũng là nội dung được quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị đối chiếu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất giữa hai luật. Về kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu thẳng thắn, vừa qua các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng, mặc dù nguồn kinh phí không sử dụng hết 2% tổng ngân sách, thanh quyết toán còn phức tạp, mất thời gian… Do vậy, cần hết sức quan tâm, tháo gỡ bằng các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ và đặc biệt, cần nêu cao vai trò của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc giám sát văn bản thi hành luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã kịp thời triển khai chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; khẩn trương, tích cực phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các tài liệu kèm theo cũng như các nội dung đã rà soát, gắn với thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân.
Quá trình hoàn thiện dự thảo luật cần lưu ý thêm một số nội dung như: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan với tinh thần khẩn trương, tập trung cao độ tiếp tục rà soát trong thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Đảng trong dự thảo luật; nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chuyên gia, nhà khoa học...
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo luật này với các dự thảo luật có liên quan để thực sự tháo gỡ điểm nghẽn trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là điều kiện về đầu tư và tài chính.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan khác tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật. Giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi xin ý kiến Chính phủ đối với dự thảo luật; đồng thời tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì sáng tạo, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cùng với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội xem xét theo chương trình Kỳ họp thứ 9.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khách mời tham dự phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94474