Tạo nguồn thu từ đất đai để phát triển hạ tầng

Nhiều khu 'đất vàng' dọc các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh sẽ được thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, nhằm tạo nguồn thu để làm đường, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư cho những công trình khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, thành phố đang hoàn thiện quy trình pháp lý, cơ chế trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Nhờ vào hạ tầng, Khu Đông TP Hồ Chí Minh đã tạo nhiều quỹ đất vàng.

Nhờ vào hạ tầng, Khu Đông TP Hồ Chí Minh đã tạo nhiều quỹ đất vàng.

Thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn lực đất đai

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, dọc trục xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) có khoảng 60 khu đất (tổng diện tích khoảng 200 ha) do Nhà nước quản lý, hiện phần lớn được sử dụng làm kho bãi. Nếu tổ chức bán đấu giá, thành phố sẽ có nguồn thu rất lớn bổ sung vào ngân sách. Đặc biệt, thành phố có tới hơn 2.400 ha đất dọc tuyến đường vành đai 3, trong đó đất do Nhà nước quản lý khoảng 514 ha. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, sau khi thu hồi, thành phố sẽ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tính toán nguồn thu ngân sách từ quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.

Vậy nên, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bán đấu giá các lô đất còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (51 lô, tổng diện tích gần 800.000 m²); các khu đất dọc đường vành đai 3 và xa lộ Hà Nội. Điều này phù hợp chiến lược khai thác giá trị của nguồn lực đất đai, giúp thành phố có thêm nguồn vốn quan trọng phục vụ đầu tư phát triển.

Để chứng minh cho phương án trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76 km. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến 41.589 tỷ đồng. Qua khảo sát, dự án có 3.863 hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, trong đó 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Tuyến đường vành đai 3 đi qua TP Hồ Chí Minh còn quỹ đất nông nghiệp khá lớn nên thành phố có thể khai thác để “bù” vào chi phí làm đường, với khoảng 2.413,4 ha, trong đó có khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến riêng đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng. Các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính khả thi để tạo nguồn vốn.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu thông tin, các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản luôn mong muốn môi trường đầu tư minh bạch, công bằng. “Cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về việc đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả. Việc hoàn chỉnh quy định cũng tránh tình trạng đấu giá làm sai lệch kết quả”, ông Châu nêu lên quan điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho hay, trong năm 2022, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức bán đấu giá nhiều lô đất, với mức giá khởi điểm dự kiến sẽ cao hơn giá khởi điểm các lô đất đã được bán đấu giá trước đây.

Triển khai ra sao cho hiệu quả

Theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm của thành phố vẫn chưa hoàn thành. Vậy nên, mô hình đấu giá đất thu hồi vốn làm đường của dự án vành đai 3 sẽ là bài học để thành phố làm tiếp các tuyến đường khác.

Viện trưởng Quy hoạch xây dựng miền Nam Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đối với thị trường đất đai, cần tránh để các nhà đầu tư không có năng lực dẫn dắt thị trường nhằm phục vụ lợi ích của họ, mà cần có sự điều tiết của Nhà nước. Để công tác tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới được thuận lợi, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo nguyên tắc Nhà nước quản lý, xử lý những tổ chức có hành vi vi phạm, còn thị trường tự đào thải những nhà đầu tư có động cơ trục lợi.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, vụ đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 vừa qua với mức cao nhất lên tới 2,45 tỷ đồng/m² được các chuyên gia đánh giá là quá cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số giao dịch sau đó bị hủy. Chính vì vậy, việc xác định đúng giá trị sử dụng đất sẽ giúp các phiên tổ chức đấu giá tiếp theo có tỷ lệ thành công cao hơn.

Để chế tài mạnh mẽ đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố khuyến nghị UBND thành phố xem xét và kiến nghị Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh bổ sung các biện pháp chế tài như thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp; không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.

Nhằm từng bước hoàn thiện pháp lý, cơ chế trong công tác tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chấp thuận cho thành phố thẩm quyền xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp tình hình thực tiễn trên địa bàn, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Bài & ảnh: CHÍ KIÊN, QUANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/tao-nguon-thu-tu-dat-dai-de-phat-trien-ha-tang-688408/