Tạo môi trường đầu tư, 'chặn' công nghệ lạc hậu
Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là nhu cầu, thậm chí là giải pháp phát triển duy nhất của không ít doanh nghiệp, nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng được mục tiêu sản xuất. Để vừa tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát chặt chẽ tránh cho Việt Nam trở thành 'bãi rác' công nghệ của thế giới, ngày 19-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vừa thúc đẩy sản xuất hiệu quả vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt
Thắt chặt quản lý
Để phục vụ quá trình phát triển sản xuất và tiêu dùng, thời gian qua, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu một số máy móc thiết bị, công nghệ đã cũ. Chính sách này đã giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, giảm chi phí đầu tư trong điều kiện có hạn.
Tuy nhiên, với những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát chất lượng của máy móc thiết bị, công nghệ và hàng hóa nhập khẩu, không ít các máy móc thiết bị, công nghệ cũ không bảo đảm tiêu chuẩn đã được đưa về Việt Nam, gây ra nguy cơ "bãi rác" công nghệ.
Theo Tổng cục Thống kê, phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu từ 2 đến 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Nguyễn Quân cho rằng, điều này đã tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe người lao động, cộng đồng.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thay thế cho Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm điều chỉnh một số bất cập trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, so với Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp mới, nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chính là kiểm soát chặt việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Theo quyết định mới, về tuổi thiết bị (năm nhập khẩu - năm sản xuất) không quá 10 năm; riêng một số loại máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy cho phép không quá 15 - 20 năm. Quy định mới này đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Nguyễn Nam Hải nhận xét.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ở một số trường hợp, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg có nhiều điểm mới trong việc thắt chặt quản lý vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng. Theo đó, việc đánh giá được thực hiện đồng bộ qua 5 nhóm tiêu chí cơ bản.
Đó là, xác định dây chuyền công nghệ phải bảo đảm công suất, hiệu suất còn lại không thấp hơn 85%, tiêu hao năng lượng không quá 15% so với thiết kế ban đầu của dây chuyền công nghệ. Bản thân dây chuyền công nghệ không được nằm trong danh mục công nghệ cấm và hạn chế chuyển giao được ban hành theo Luật Chuyển giao công nghệ.
Hơn nữa, công nghệ của các máy móc, thiết bị nhập khẩu phải bảo đảm còn được phép sử dụng tại ít nhất 3 cơ sở sản xuất trong khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC). Dây chuyền công nghệ đó phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia thuộc các nước khối G7, Hàn Quốc.
Vẫn còn một số băn khoăn
Kiểm soát tốt việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Ảnh: Mạnh Hà
Bên cạnh sự ghi nhận về quyết tâm của nhà hoạch định chính sách trong việc tránh cho Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ, vẫn còn một số băn khoăn, thắc mắc.
Theo ông Frederick Burke, Trưởng nhóm công tác đầu tư - thương mại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, các tiêu chí đặt ra về công suất và mức tiêu hao nhiên liệu so với thiết kế gây phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp, bởi các điều kiện về đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước tiên tiến đã bao hàm các tiêu chí này.
Còn ông Phan Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển máy xây dựng Việt Nam cho rằng, tiêu chí 10 năm tuổi cho máy móc, thiết bị đơn lẻ vẫn gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập máy móc, thiết bị cũ để duy trì hoạt động sản xuất. Trong khi đó các máy móc, thiết bị trong lĩnh vực này vẫn bảo đảm năng lực sản xuất, không ảnh hưởng đến môi trường.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, ngoài quy định máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng phải sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc, khi nhập về Việt Nam, mức độ tiêu hao năng lượng, công suất còn lại vẫn phải ở mức chấp nhận được. Quy định này nhằm bảo đảm máy móc vẫn đang hoạt động và đáp ứng yêu cầu, phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Còn về vấn đề “tuổi thiết bị”, quy định mốc thời gian 10 năm là cần thiết.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt cần nhập máy móc, thiết bị đơn lẻ đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg đã có quy định về hồ sơ, trình tự giải quyết một cách cụ thể và chặt chẽ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cũng nêu một số phản ánh của doanh nghiệp, như: Trường hợp đã cung cấp được “bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất” theo quy định, thì có cần phải thực hiện giám định lại hay không và đã có danh sách các tổ chức giám định được chỉ định, thừa nhận để doanh nghiệp lựa chọn chưa?
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết, giấy xác nhận nói trên có thể thay thế cho Chứng thư giám định, nên trong trường hợp này doanh nghiệp không cần thực hiện giám định lại.
Đối với danh sách tổ chức giám định, thì những tổ chức giám định được công bố tại quy định cũ (Thông tư 23/2015/TT-BKHCN) vẫn tiếp tục hoạt động giám định trong vòng 60 ngày, kể từ ngày 15-6-2019. Sau thời hạn trên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố danh sách các tổ chức giám định theo quy định mới.
Như vậy, có thể thấy, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg đã được xây dựng, hoàn thiện để đáp ứng đồng thời cả hai mục tiêu, vừa tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.