Tạo hành lang pháp lý song hành cùng Nghị quyết 57

Chiều 07/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây là những đạo luật có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng song hành cùng Nghị quyết 57 trong giai đoạn mới...

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Bốn tháng sau khi hợp nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình và được Quốc hội thông qua 5 luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 5 luật gồm Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, đây là những đạo luật có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu chiến lược của Đảng đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, dù được khởi thảo cách đây 1-2 năm, song nội dung chính của các luật này được xây dựng lại gần như toàn diện, với tinh thần tiếp thu các chủ trương, tư tưởng của Nghị quyết 57. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp của Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, việc chỉnh sửa bổ sung các luật không chỉ nhằm cập nhật thực tiễn mà còn thể hiện rõ nét quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, lâu nay được xem là rào cản lớn cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy, các cơ quan chủ trì soạn thảo “làm xuyên đêm là chuyện bình thường”, ông chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật lần này là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW. (Ảnh: Bộ KH&CN)

Tại cuộc họp, các cục trưởng, vụ trưởng một số đơn vị chủ trì soạn thảo luật đã thông tin tóm tắt một số nội dung quan trọng trong các Luật mới. Cụ thể, theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho biết, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2025) thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ (KHCN). Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP trong khi KHCN chỉ đóng góp 1%. Luật cũng chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu mang lại. Các quy định này tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển kinh tế - xã hội.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng quốc gia thông tin, Luật đã thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro; từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm. Lần đầu tiên luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm, xử lý rủi ro chất lượng. Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng quốc gia thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Bộ KH&CN)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), ông Hà Minh Hiệp cũng cho rằng, luật đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Lần đầu tiên, Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; đồng thời thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Luật cũng quy định nguyên tắc “một sản phẩm - một quy chuẩn” trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường.

Với Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Hoàng Linh nhìn nhận, luật đã tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy. Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.

Nghị định, Thông tư sẽ được ban hành cùng thời điểm các bộ Luật có hiệu lực

Cùng đó, theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài sản số. Luật Công nghiệp công nghệ số quy định chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với AI, luật đưa ra nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm”, yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, Nhà nước dành chinh sách ưu đãi cao nhất cho thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là lần đầu tiên tài sản số bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa được bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin.(Ảnh: Bộ KH&CN)

Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ, một trong những quy định nổi bật là nhân lực công nghệ số chất lượng cao hay các nhân tài công nghệ số sẽ được hưởng hàng loạt chính sách đãi ngộ về cư trú, mức lương cạnh tranh quốc tế, được hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển, được bổ nhiệm các vị trí quản lý mà không cần theo quy hoạch, năm công tác. Luật quy định, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Trong đó, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn 5 năm và được gia hạn theo quy định pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, đây là những ưu đãi nổi bật, chưa từng có nhằm giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ số chất lượng cao để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Ông Lịch cũng chia sẻ, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp Công nghệ số để các quy định trên được triển khai ngay khi Luật có hiệu lực từ 1/1/2026...

Trước câu hỏi của báo chí về việc làm sao để 5 luật sớm đưa vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Kh&CN Bùi Thế Duy cho biết: “Bộ sẽ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cùng thời điểm hiệu lực với luật. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có hiệu lực từ 1/10 thì các nghị định, thông tư cũng phải có hiệu lực từ 1/10. Tương tự, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026 để đảm bảo đồng bộ”. Từ nay đến cuối năm, Bộ KH&CN sẽ chủ trì soạn thảo thêm bốn luật, gồm Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Như vậy, trong năm 2025, Bộ trình Quốc hội ban hành 9 luật. Bộ kỳ vọng những luật này cùng với ba luật ban hành trước đó gồm Luật Viễn thông, Luật Tần số và Luật Giao dịch điện tử sẽ thiết lập đầy đủ, toàn diện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-song-hanh-cung-nghi-quyet-57.html