Tăng thêm giờ lao động cần quy định chặt chẽ, tránh áp dụng tùy tiện

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trường chiều ngày 12/6 liên quan đến việc sửa đổi Bộ luật Lao động.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Bắc Giang thảo luận tại Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Bắc Giang cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu mà dự thảo đưa ra là phù hợp và cần thiết. Bởi tuổi nghỉ hưu hiện tại được quy định cách đây 60 năm, đến nay quy định, sức khỏe đã thay đổi nên tăng tuổi nghỉ hưu chín muồi. Lực lượng lao động giảm từ 1,2 triệu xuống còn 400 nghìn và dự báo chỉ tăng thêm 200 nghìn nên sẽ thiếu lao động.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nâng tuổi nghỉ hưu không phải hoàn toàn để chống đỡ mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội. Việc này có tác động nhưng đó không phải là nguyên nhân. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, nguyên nhân cơ bản của vấn đề cân bằng tuổi nghỉ hưu, cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện có xu hướng giảm dần, đang là một nguy cơ cần xem xét.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề tất yếu bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số mạnh. Do vậy, việc xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với mục đích “đi trước, đón đầu”, phải có lộ trình bởi nếu không chuẩn bị tốt sẽ tạo áp lực, gây phản ứng mạnh của người dân. “Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất, toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội mà bảo hiểm xã hội chính là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội”- đại biểu Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

Cần quan tâm đến lao động trực tiếp

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm- TP. Hồ Chí Minh, việc sửa đổi luật lần này để tiếp cận các quan điểm, sự chỉ đạo Nghị quyết của Đảng, bám sát thực tiễn yêu cầu có nhiều đổi mới. Song, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có một số nội dung cần thảo luận ở góc nhìn thực tiễn.

Đối với việc làm thêm giờ, xem xét ở mức độ nào thì đem lại quyền và lợi ích gì cho người lao động và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây là vấn đề thực sự khó vì đứng ở góc này thấy thuận lợi, nhưng đứng ở góc khác thấy bất lợi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm cũng nêu quan điểm, cần phải để người lao động có thời gian tái tạo lại sức lao động để làm việc tốt hơn. Điều đó vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động. “Người sử dụng lao động sẽ có một công nhân có sức khỏe, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng lao động mới tăng lên" - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, ở góc độ người sử dụng lao động nếu phải cần thiết làm thêm giờ để đảm bảo đơn hàng, phải có cách thỏa thuận khác với công nhân và mức tiền lương thỏa đáng, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Vĩnh Phúc đồng tình sửa đổi Bộ luật Lao động, việc làm thêm giờ tăng thêm 100 giờ/năm, người lao động không mong muốn mở rộng thỏa thuận giờ làm thêm nhưng một bộ phận muốn tăng thêm để tăng thu nhập, nên ông đồng tình tăng giờ làm thêm ở trường hợp đặc biệt nhưng không quá 400 giờ/năm, tránh tình trạng tăng giờ làm thêm tập trung ở một số tháng trong năm thì cần quy định rõ giờ làm thêm tối đa trong tháng. Tăng giờ làm thêm cần có quy định cụ thể về nguyên tắc với giờ làm thêm từ 201 - 400 giờ thì mức lương cần phải trả cao hơn số giờ làm thêm từ 0 - 200 giờ.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An)

Đại biểu Trương Phi Hùng - Long An đồng ý việc tăng thêm giờ làm thêm tối đa và áp dụng cho trường hợp đặc biệt. Lý do là để đáp ứng nhu cầu quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, do việc làm thêm giờ ảnh hưởng sức khỏe, tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình, nên đại biểu Hùng cho rằng cần quy định chặt chẽ tránh áp dụng tùy tiện. “Theo đó, cần quy định việc trả tiền theo mức lũy tiến, 2 giờ đầu là 150%, 1 giờ tiếp theo 150% và 1 giờ tiếp theo là 30% để hạn chế sử dụng lao động và bắt ép người lao động làm thêm, ngày nghỉ lễ tết làm thêm thì 300 - 400% tiền lương”- Đại biểu Trương Phi Hùng đề xuất.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện Bộ luật, trong đó đặc biệt quan tâm các quy định về tiêu chuẩn lao động; giờ làm thêm; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu… phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta.

Lan Anh- Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-them-gio-lao-dong-can-quy-dinh-chat-che-tranh-ap-dung-tuy-tien-120966.html