Tăng giá điện: Vì sao thông báo hôm trước, hôm sau tăng ngay?
'Tăng giá điện có phải là biện pháp không thể đừng? Cơ sở thực tế nào buộc phải tăng giá điện? Nếu buộc phải tăng thì tăng thời điểm nào là hợp lý?', TS. Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Hôm nay là ngày thứ 3 áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới với mức 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Dư luận vẫn chưa hết ngỡ ngàng bởi vì thông báo của nhà đèn phát ra hôm 30/11 thì thời điểm áp dụng là ngay hôm sau: 01/12.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) nêu quan điểm: Ngành điện là ngành quan trọng, nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao nên khi ngành này gặp khó khăn thì Nhà nước và nhân dân cần phải chia sẻ. Tuy nhiên, việc tăng giá điện có hợp lý hay không phải xét trên nhiều góc độ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng còn nhiều vấn đề cần bàn xung quanh việc tăng giá điện.
Đây là ngành độc quyền, Nhà nước căn cứ vào thị trường để định giá bán, do đó cần làm rõ hoạt động kinh doanh thế nào, lỗ hay lãi, nếu lỗ thì lý do vì sao? Nếu tăng giá điện vì lý do thị trường như yếu tố đầu vào tăng giá, biến động tỷ giá,... thì người dân chấp nhận, còn lý do là quản lý kém, hoạt động không hiệu quả thì không được.
Lý lẽ mà ngành điện đưa ra là do giá thành hiện nay cao hơn giá bán, theo ông Long là còn nhiều vấn đề phải bàn. Cụ thể giá thành 1.665 đồng/kW/h, trong khi giá bán là 1.622 đồng, như vậy so sánh giá bán và giá thành là lỗ. Nhưng ngành điện phải xem xét giá thành đã hợp lý hay chưa? Năng suất lao động đã hợp lý chưa?
“Sản lượng điện thương phẩm bán ra là 29.000 MW, nhưng lực lượng lao động lên tới 110.000 người thì quá lớn, năng suất lao động quá thấp, khiến chi phí tăng lên. Đây là vấn đề ngành điện cần xem xét” - ông Long phân tích.
Vấn đề thứ 2 theo ông Long, hiện nay tỷ lệ tổn thất điện năng ở các nước 4 đến 5% đã là nhiều trong khi ở ta là 7,57%, vậy tại sao không có giải pháp để giảm tổn thất điện năng xuống nhằm tiết giảm chi phí?
Cơ cấu ngành điện hiện nay khá phong phú, gồm nhiệt điện, thủy điện, điện dầu, điện tái tạo, trong đó thủy điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Năm nay thủy văn rất tốt, thủy điện lại có giá thành thấp, vậy tại sao vẫn lỗ?
Ngành điện cần tự xem xét lại vấn đề quản lý, kinh doanh của chính mình. Tất cả những điều trên chính là bản chất của vấn đề.
Giá điện tăng dần đều từ năm 2009 đến nay
Ngành điện cũng đưa ra lý do giá điện mình bán ra thấp hơn khu vực nên phải tăng là cũng không có lý, vì giá bán của ta EVN chỉ mới so đầu ra nhưng chưa so đầu vào. Hay nói lý do ba năm rồi không tăng cũng là không xác đáng. Nếu kinh doanh ổn định thì 5 năm cũng không cần tăng.
Nói về thời điểm tăng giá điện, theo TS Ngô Trí Long có mấy vấn đề phải bàn: Các đợt trước mỗi lần tăng ngành điện đều có thông báo và đưa ra các phương án xin ý kiến công luận và ý kiến của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội đặc biệt là của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam. Đây là 1 vấn đề nhạy cảm. Tại sao lần này lại tăng 1 cách bất ngờ: Thông báo hôm 30/11 thì 1/12 tăng ngay.
" Lẽ nào một ngành độc quyền lại không cần các ý kiến đóng góp? Trong khi điện năng là ngành có ảnh hưởng đến toàn bộ người dân và các ngành sản xuất dịch vụ", ông Long đặt câu hỏi.
Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh. Tuy nhiên, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh. Như vậy, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện là 3.251 tỷ đồng, giúp cho EVN lãi 2.658 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ tính đến cuối năm 2016 vẫn lên tới trên 9.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo EVN cho biết khoản lỗ tỉ giá sẽ được phân bổ dần dần nhằm giảm bớt áp lực tăng giá điện.
Theo tính toán của EVN, việc tăng giá điện lần này sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là 0,1% và tăng trưởng GDP là 0,166% trong năm 2018. Giá điện tăng 6,08% sẽ tác động làm cho nhóm kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%, nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp bị tăng 4,97%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể.
Minh Minh