Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới

Điều 33 Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp nơi có biên giới quốc gia (BGQG); quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương; đồng thời, giám sát thực hiện pháp luật về biên phòng ở địa phương... Với những quy định chi tiết trách nhiệm của HĐND, UBND nơi có BGQG sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa giúp nhân dân trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai dựng lại nhà ở. Ảnh: Xuân Thủy

Luật BPVN đã quy định cụ thể nhiệm vụ của HĐND, UBND để góp phần xây dựng chính sách, huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG.

Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, tại Điều 112 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như ở mỗi cấp đối với nhiệm vụ bảo vệ BGQG. Vì vậy, Luật BPVN xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trách nhiệm của UBND các cấp lập dự toán ngân sách trình HĐND cùng cấp, đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Vì nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG là hết sức quan trọng, không phải chỉ riêng lực lượng BĐBP là nòng cốt, chuyên trách, mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, do vậy, việc quy định chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo ngân sách để xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG; đồng thời, thực hiện chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

“Muốn cán bộ, chiến sĩ BĐBP gắn bó, xây dựng và bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương cần ưu tiên đảm bảo nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP; mặt khác, những người vợ lính Biên phòng cũng phải có công việc ổn định. Có như vậy, họ mới yên tâm công tác, gắn bó với biên cương, cùng với các lực lượng, nhân dân xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới” - Ông Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Với những tác động trực tiếp, có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, Điều 33 Luật BPVN quy định, HĐND các cấp nơi có BGQG, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ BGQG, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Đồng thời, HĐND quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương; ưu tiên bảo đảm nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP công tác lâu dài ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tiến hành giám sát thực hiện pháp luật về biên phòng ở địa phương.

Đối với UBND các cấp nơi có BGQG, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng; lập dự toán ngân sách trình HĐND cùng cấp đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; tập trung và huy động các nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương; thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân”; thực hiện chính sách hậu phương quân đội. UBND có trách nhiệm sắp xếp, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng; kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở biên giới.

Mặt khác, UBND các cấp nơi có BGQG phải chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở biên giới; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Ngoài ra, Điều 33 Luật BPVN cũng quy định đối với HĐND, UBND các cấp nơi không có BGQG. Đối với HĐND các cấp quyết định chủ trương, biện pháp, ngân sách, giám sát, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng. UBND các cấp tham gia, phối hợp với cơ quan, tổ chức để thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại ở biên giới; thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân”; thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-trach-nhiem-cua-dia-phuong-trong-thuc-hien-nhiem-vu-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-post436140.html