Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương

Tuần qua, kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã diễn ra tại New York, Mỹ có chủ đề 'Tăng cường các nỗ lực đa phương để xóa nghèo, giáo dục chất lượng, hành động và hợp tác về khí hậu'. Trên cơ sở đó, vấn đề xoay quanh 'chủ nghĩa đa phương' là một trong những trọng tâm quan trọng và xuyên suốt tại các phiên thảo luận chung.

Phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters

Thời gian gần đây, những bất ổn trên thế giới đang đe dọa chủ nghĩa đa phương, nhất là các cuộc chiến tranh thương mại, leo thang xung đột vũ trang... đều xuất phát từ những bất đồng trong mối quan hệ giữa các nước. Điển hình trong đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như leo thang căng thẳng tại khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và Đông Bắc Á. Những toan tính riêng của các quốc gia đang khiến sự đoàn kết, thống nhất cùng phát triển của cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc hiện đóng vai trò là thể chế đa phương quan trọng nhất và là “trụ cột” chính tạo nên nỗ lực hợp tác đa phương, đảm bảo quyền lợi của các nước vừa và nhỏ trước các thách thức toàn cầu. Trong kỳ họp lần này, các phiên thảo luận chung vẫn là một diễn đàn mở rộng và là tâm điểm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, kỳ họp lần này là cơ hội lớn để các nước thu hẹp bất đồng, đẩy mạnh hợp tác, đẩy lùi thách thức. Trong đó, Liên hợp quốc cần tiếp tục thể hiện được vị thế, khẳng định sức ảnh hưởng của mình. Từ đó, tiếp tục thuyết phục tất mọi người rằng, chỉ có chủ nghĩa đa phương mới đem lại các giải pháp thực tế giải quyết mọi thách thức toàn cầu.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận ngày 28-9. Trong đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam cho rằng, tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hòa giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế.

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”. Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định, Liên hợp quốc hay các thể chế đa phương chỉ có thể mạnh và hiệu quả, giúp xử lý các thách thức toàn cầu, nếu từng quốc gia thành viên vượt qua những lợi ích riêng, hướng tới các lợi ích chung rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế, cam kết và thực sự đầu tư ý chí và nguồn lực cho những nỗ lực chung đó.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-suc-song-cua-chu-nghia-da-phuong/